VISA TÌM/LÀM VIỆC TẠI EU SAU DU HỌC

(Last Updated On: August 27, 2023)

Nhân tiện bạn UK ra graduate visa cho phép sinh viên sau tốt nghiệp ở lại UK tìm + làm việc trong 2-3 năm, mình tổng hợp chính sách của 1 số nước EU về các loại visa cho phép sinh viên ở lại tìm và làm việc sau tốt nghiệp ^________^

LƯU Ý: Bài viết chỉ tập trung vào các loại visa được cấp mà CHƯA CẦN XIN ĐƯỢC VIỆC nhé, chứ nói về work permit/visa thì nước nào cũng có (nhưng sẽ yêu cầu đạt được một mức lương tối thiểu xyz, công ty thuê cần nằm trong danh sách được quyền thuê người nước ngoài…), dài lắm.


UK: Graduate visa

  • Đối tượng: Sinh viên học tại UK và tốt nghiệp từ thời điểm 7/2021
  • Thời hạn của visa: 2 năm cho sinh viên bậc cử nhân/thạc sĩ, 3 năm cho bậc tiến sĩ. Visa này chỉ được xin 1 lần duy nhất (không phải học xong đại học lấy 2 năm rồi học thạc sĩ rồi lại được 2 năm tiếp)
  • Yêu cầu: Nộp hồ sơ sau khi đã hoàn thành khóa học (pass hết nha) và trước khi visa sinh viên hết hạn

Trước đây thì sau khi tốt nghiệp sv chỉ được ở lại 4 tháng, gọi là thời gian gói ghém để đi về 😉 Nếu muốn ở lại thì bạn cần xin các loại work visa (tier 1, 2, 5… hay như tên mới là global talent visa, skilled worker visa…). Với graduate visa mới này thì UK từ một trong các nước … ki bo nhất thành hào phóng nhất (về mặt thời gian valid của visa) 😂

Tìm hiểu thêm tại website của chính phủ Anh hoặc UKCISA

Hà Lan: search year visa hay Orientation year visa (Zoekjaar Visa)

  • Đối tượng: Cực kỳ thoáng, bao gồm sinh viên tốt nghiệp cử nhân/thạc sĩ từ 1 trường ở Hà Lan HOẶC thạc sĩ hoặc tiến sĩ tốt nghiệp từ bất kỳ trường nào có ranking nằm trong top 200 của thế giới HOẶC sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ từ 1 chương trình bất kỳ của học bổng Erasmus Mundus (kể cả sinh viên self-funded, không có học bổng)
  • Thời hạn của visa: 1 năm. Visa này có thể được xin nhiều lần! Ví dụ bạn học cử nhân ở HL, xong, đi làm 1 năm với visa này, rồi về VN lập gia đình 😂 chán lại đi học thạc sĩ ở đâu đó tại 1 trường top 200 thế giới à xin tiếp được 1 năm tìm + làm việc tại Hà Lan!
  • Yêu cầu: Nộp hồ sơ trong vòng 3 năm sau tốt nghiệp!!! Kiểu về rồi, nghĩ chán rồi, hứng lên apply vẫn được đó 😉

Túm lại thì deal này quá hấp dẫn, Hà Lan chắc là nước hào phòng nhất ở EU về visa tìm/làm việc cho sinh viên sau tốt nghiệp (UK quảng bá cái graduate visa của họ là số 1 trong thu hút nhân lực, cơ mà chém đó ^^ HL làm lâu rồi mà làm ngon hơn hehe). Trước đây mình làm việc ở Hà Lan là dùng visa này.

Tìm hiểu về Zoekjaar Visa tại website của IND (Sở di trú HL):

Đan Mạch: Student visa và Establishment card

Student visa: Sinh viên học ở Đan Mạch thì theo luật tự động sẽ được 6 tháng sau tốt nghiệp để ở lại tìm việc. Cái này sẽ được cộng sẵn khi cấp residence permit cho bạn (dựa trên thời gian kết thúc khóa học mà trường báo lên). Trong trường hợp họ … quên 😂 thì có thể đi đòi và sẽ được cấp lại residence permit + 1 lời xin lỗi.

Đây là kinh nghiệm bản thân luôn đó ạ, chả hiểu sao họ quên cái 6 tháng của mình, mà học xong còn muốn đi du lịch, hết hạn visa luôn thì đi đâu ^^ à đi đòi luôn. Khi đòi thì họ sai nên xin lỗi ngay và cán bộ di trú dụ mình apply cái Danish green card points based system 😂 chắc do muốn đã làm lại thẻ residence permit cho mình thì làm dài hẳn cho nó bõ công ý vì student visa thì chỉ được 6 tháng nhưng green card hồi đó được 3 năm kaka.

Cái green card scheme này thì rất dễ, nhưng tiếc là 2015 bị bỏ rồi. Đại khái là bất kỳ ai đạt đủ 105 điểm tính theo thang của họ là được. Ví dụ của mình ở thời điểm đó là thạc sĩ = 60 điểm, trường top 100 = 15 điểm, trình độ Tiếng Anh = 15 điểm, kinh nghiệm làm việc = 10 điểm (2 năm kinh nghiệm nghiên cứu), khả năng hòa nhập = 5 điểm (do học tại EU được 1 năm), tuổi = 15 điểm (<34 tuổi). Tổng là 120.

Establishment card (đây là cái thay cho green card nè)

  • Đối tượng: Sinh viên tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại Đan Mạch
  • Thời hạn của visa: 2 năm, có thể xin extension lên tối đa là 3 năm. Giống Hà Lan, visa này xin lại được nhiều lần!
  • Yêu cầu: Apply trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp

Tìm hiểu về Establishment card trên web của SIRI (Cơ quan Tuyển dụng và Hội nhập Quốc tế Đan Mạch)

Pháp: Job seeker/new business creator residence permit

  • Đối tượng: Sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp
  • Thời hạn visa: 1 năm. Chỉ được apply 1 lần (giống UK)
  • Yêu cầu: Nộp hồ sơ trong vòng 4 năm sau khi tốt nghiệp

Tìm hiểu thêm về viss này tại web của Campus France (Cơ quan thúc đẩy giáo dục đại học, dịch vụ sinh viên quốc tế và di chuyển quốc tế của Pháp) hoặc web của chính phủ Pháp (tiếng Pháp nha)

Đức: Residence permit for the purpose of seeking employment và job seeker visa

Residence permit for the purpose of seeking employment

  • Đối tượng: Sinh viên tốt nghiệp từ 1 trường bất kỳ ở Đức
  • Thời hạn visa: 18 tháng
  • Yêu cầu: Có thể nộp ngay sau khi hoàn thành kì thi cuối của khóa học và trước khi visa sinh viên hết hạn

Job seeker visa

  • Đối tượng: Sinh viên đã học xong và rời Đức về nước và giờ muốn quay lại tìm việc hoặc người có bằng đại học/thạc sĩ/tiến sĩ tương đương và được Đức công nhận
  • Thời hạn visa: 6 tháng
  • Giới hạn của visa: Đây là visa để tìm việc –> bạn không có quyền làm việc! Khi đã xin được việc ở đâu đó thì cần chuyển sang visa khác
  • Yêu cầu: Các đối tượng kể trên có thể nộp hồ sơ bất kỳ thời điểm nào

Tìm hiểu thêm tại trang web của chính phủ Đức hoặc trang web của DAAD (cơ quan phụ trách trao đổi học thuật của Đức)

Ireland (Ai-len): Third Level Graduate Programme – TLGP

  • Đối tượng: Sinh viên tốt nghiệp cử nhân (bằng xuất sắc), thạc sĩ, tiến sĩ tại Ireland
  • Thời hạn visa: 12 tháng cho cử nhân, 12-24 tháng cho thạc sĩ, 24 tháng cho tiến sĩ. Có thể apply nhiều lần (tuy nhiên giới hạn là tổng thời gian của student visa và TLGP visa không được quá 7-8 năm)
  • Giới hạn của visa: Có thể làm việc nếu ký hợp đồng lao động, không được tự mở công ty hay self-employed/freelancer
  • Yêu cầu: Nộp trong vòng 6 tháng sau khi có kết quả của khóa học (pass đó) và trước khi visa sinh viên hết hạn

Tìm hiểu thêm tại trang web của ICOS (Irish council for international student, tương đương British Council hay Hội đồng Anh của bên UK á) hoặc web của bộ Tư pháp Ireland

Thụy Điển: Residence permit for looking for work after studies/Permanent residence permit

Residence permit for looking to work after studies

  • Đối tượng: Sinh viên tốt nghiệp từ 1 khóa học ít nhất 1 năm của trường bất kỳ ở Thụy Điển HOẶC sinh viên có thời gian học trao đổi ở Thụy Điển tối thiểu là 2 học kỳ (ví dụ sinh viên Erasmus Mundus chẳng hạn)
  • Thời hạn visa: 12 tháng cho cử nhân/thạc sĩ.
  • Yêu cầu: Nộp hồ sơ sau khi có kết quả khóa học (pass hết) và trước khi visa sinh viên hết hạn

Permanent residence permit (giấy phép cư trú vĩnh viễn)

  • Đối tượng: Tiến sĩ đã học ở Thụy Điển 4 năm
  • Thời hạn visa: Vĩnh viễn
  • Yêu cầu: Nộp hồ sơ không sớm hơn 14 ngày trước khi visa hiện tại hết hạn

Tìm hiểu thêm tại web của cơ quan di trú Thụy Điển (Migrationsverket): Cử nhân/thạc sĩ | Tiến sĩ


TỔNG KẾT VUI 😉

  • UK là bạn sinh sau đẻ muộn, quảng cáo to miệng nhất nhưng chính sách thì cũng lèng phèng (được cái nói TA)
  • Hà Lan là bạn dễ tính nhất, chào đón sinh viên từ mọi nơi, miễn giỏi (hay đúng hơn là học trường xịn)
  • Bạn Thụy Điển quá cưng tiến sĩ luôn, cho hẳn permanent residence permit mới sợ chứ (chưa kể tiến sĩ ở Thụy Điển là free học phí cho tất cả mọi người nha)
  • Ireland chính sách khá ổn mà ít sinh viên quốc tế biết (viết bài này mình cũng mới biết)
  • Pháp là cho thời gian suy nghĩ lâu nhất: hẳn 4 năm (Hà Lan xếp thứ 2, cho nghĩ tối đa 3 năm)
  • Đức, Đan Mạch thì chính sách đều ngon, không có gì phàn nàn (hay nên phàn nàn là tiếng khó vãi lúa? Lol)
Bảng tổng hợp các chính sách visa tìm/làm việc cho sinh viên sau tốt nghiệp tại Châu Âu

Rồi, hy vọng cả nhà có đủ thông tin để cân nhắc khi lựa chọn nước du học phù hợp với nhu cầu của bản thân nha ^^

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về work permit của Hà Lan (không phải dạng orientation year visa nhé) và EU blue card (work permit cho phép bạn làm việc tại bất kỳ nước EU nào) thì xem thêm post này nha: Ở lại làm việc tại Châu Âu sau du học


There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply