Xuất bản bài báo khoa học – Một số câu hỏi thường gặp

(Last Updated On: January 25, 2023)

Xuất bản một bài báo khoa học không chỉ bao gồm quy trình cơ bản của nộp – bình duyệt – đăng bài, mà còn kéo theo rất nhiều thủ tục và vấn đề trong suất quá trình chuẩn bị, nộp, và cả lúc sắp đăng đến nơi rồi 😉

Sau khi post bài Quy trình xuất bản bài báo khoa học mình có nhận được một số câu hỏi liên quan. Trong quá trình trả lời các bạn nè, nhân tiện mình tổng hợp luôn từ kinh nghiệm bản thân một số vấn đề thường gặp liên quan đến cái chủ đề này.


Chuẩn bị – Format bản thảo (Manuscript format)

This is such a pain ☹ Nói chung việc quy định format như thế nào là tùy báo. Báo nào dễ dãi không đòi hỏi nhiều thì đỡ, báo nào có yêu cầu quái thai về format thì nhọc, nhất là khi dùng Word (mình không dùng Latex). Mình ghét nhất là cái vụ yêu cầu “type decimal points midline (23·4, not 23.4)” của một báo mình hay phải nộp. Cứ nghĩ cái bản thảo toàn số và phải đi sửa từng số cho cái yêu cầu này đi ☹

Các bạn có thể tải về một cái template bản thảo tại đây (file word nhé). Template này tuân theo các nguyên tắc format thường gặp nhất –> có thể dùng cho rất nhiều báo.

Chuẩn bị – Format trích dẫn tài liệu tham khảo (References format)

Hiện nay có kha khá phần mềm quản lý tài liệu tham khảo (Reference Manager) có phí hoặc miễn phí như EndNote, Zotero, Mendeley… Tất cả đều có tùy chọn output style – hay cách hiện thị trích dẫn, ví dụ dưới dạng số ([1], (2), 3), tên tác giả + năm… Ở Việt Nam mình chắc rất quen thuộc với 2 dạng là Harvard (tên tác giả + năm) và Vancouver (số). Tuy nhiên còn vô vàn loại khác mà điểm khác nhau thường nằm ở cái phần danh sách tài liệu tham khảo (thông tin hiển thị cho mỗi trích dẫn có chút khác biệt).

Cách dễ nhất để đảm bảo format đúng là tải về cái output style mà báo đó yêu cầu. Một số báo sẽ có link tải ngay trên trang của họ. Nếu không có thì … hãy dùng anh Google ^^ Như mình dùng EndNote thì gõ “tên báo Endnote style” là nó ra liền, down về dùng thôi.

Cũng phải lưu ý là không phải có output style chuẩn là không phải động tay vào làm gì nữa. Ví dụ bản thảo khi mình viết dùng Vancouver, sẽ kiểu abc [1]. Tuy nhiên nếu báo dùng superscript citation thì sẽ cần chuyển thành abc.1 Vấn đề là khi đổi trên Endnote nó sẽ từ abc [1]. sang abc 1. chứ nó không đủ khôn để chuyển đúng sang abc.1 Và thế là lại thêm việc cho mà làm.

Nộp bài – Mã số ORCID

ORCID, viết tắt của Open Researcher and Contributor ID, đại khái là một mã số dịnh danh của nhà nghiên cứu. Hiện nay rất nhiều báo khuyến khích tác giả điền mã ORCID khi nộp bản thảo, thậm chí một số báo còn bắt buộc. Việc này thực ra rất tốt, nhất là với vấn đề tên tuổi lộn xộn của người Việt mình. Việc xác định chủ quyền đối với bài báo bằng mã ORICD sẽ chính xác hơn là dựa vào tên tác giả.

Đăng ký mã ORCID là hoàn toàn miễn phí và có thể thực hiện chỉ trong vòng 2 phút. Bạn chỉ cần truy cập vào https://orcid.org/ rồi register là xong. Mã ORCID về lý thuyết là duy nhất cho mỗi tác giả. Mặc kệ bạn thay đổi công việc, affiliation thế nào thì bạn cũng tuyệt đối không đổi mã ORCID. À dĩ nhiên là sai sót vẫn có. Ví dụ: thày mình có 2 mã ORCID, lý do thì củ chuối là… quên. Đăng ký rồi, dùng một thời gian, xong bẵng đi, quên, đăng ký cái nữa lol.

Một ưu điểm nữa khi sử dụng mã ORCID là rất nhiều báo hiện tại cho đăng ký/đăng nhập vào hệ thống nộp bài thông qua tài khoản ORCID. Cái này rất tiện vì giúp rút ngắn thời gian điền thông tin khi đăng ký hay bớt phải nhớ nhiều thông tin đăng nhập.

Hệ thống cho phép đăng nhập thông qua tài khoản ORICD

Nộp bài – Tên tác giả người Việt

Cái này là vấn đề nhức đầu bao đời nay :(. Chẳng cần đến lúc xuất bản bài báo, làm giấy tờ gì ở nước ngoài cũng khổ, tên cứ gọi là lộn tùng phèo, tùy hứng của nhân viên xử lý hồ sơ dù mình có điền thống nhất đến đâu.

Có 3 cách chính mà mọi người hay dùng: ví dụ tác giả Nguyễn Văn A

STTFirst nameMiddle nameLast nameTrích dẫn*
1. Chuyển thứ tự tên qua kiểu phương TâyAVanNguyenNguyen AV
A VanNguyenNguyen AV
2. Thêm gạch nối vào tênVan-ANguyenNguyen V-A
3. Giữ nguyên thứ tự tênNguyenVanAA NV
Nguyen VanAA NV
* Đây là cách mà tên tác giả được hiển thị ở phần trích dẫn

Mình theo cách số 3 (làm theo thày ^^), cơ bản ưu điểm là do khi theo cách 3, phần trích dẫn sẽ là Ngan TT –> dễ nhận/ít trùng hơn so với cách 1 hiện Tran NT. Khổ, ngoài tên có thự tự khác thì người Việt mình 50% họ Trần với Nguyễn 😀 Nếu họ mình là lạ (như mình có đứa bạn họ Khổng) thì mình sẽ dùng cách 1 ^^

Nói chung mình cũng chả dám nói cách nào là tối ưu hay đúng đắn. Ai lựa chọn cách nào thì chỉ nên kiên định theo cách đó và luôn điền đủ mã ORCID (nhất là khi người khác nộp bài mà có mình trong danh sách tác giả thì phải nhắc người ta nhớ điền dùm cái mã ORCID cho mình).

Đối với các bạn tên 4-5 chữ thì xin lỗi mình không dám lạm bàn, mình chỉ dám… chia sẻ nỗi đau với các bạn thôi.

Nộp bài – Thứ tự tên tác giả

Có ba vị trí quan trọng: first author (tác giả đứng đầu), corresponding author (tác giả liên hệ) và last author (tác giả đứng cuối trong danh sách tác giả)

Về mặt lý thuyết: Ai làm chính, đóng góp nhiều nhất cho bài báo cần được là first author. Tác giả liên hệ thì là người chịu trách nhiệm đứng ra trao đổi với báo trong quá trình nộp, bình duyệt và xuất bản. Corresponding author thường là first hoặc last author luôn. Last author thì thường là GS hướng dẫn, người đứng đầu lab, hay người đứng tên xin được tiền cho cái dự án/nghiên cứu đó (PI – Principal investigator)…

Các tên khác trong danh sách thì có thể xếp theo thứ tự mức độ đóng góp (từ nhiều đến ít) hoặc nếu đóng góp ngang nhau thì xếp theo vần abc.

Về mặt thực tế:

  • 3 vị trí first, corresponding và last author là cơ sở tính điểm, tính thưởng ở VN nên thường là 3 người khác nhau (để tăng số người hưởng lợi lên ^^)
  • Người chả liên quan gì, chả làm gì vẫn có tên như thường. Cái này là xuất ngoại giao/quan hệ nè 😊 Thì để người ta có thêm điểm lên PGS/GS.
  • Người viết/làm chính nhiều khi không được đứng đầu. Cái này thì xảy ra ở mọi nơi chứ không riêng gì VN.
Cái hình này chỉ là chuyện vui/đọc giải trí đối với 1 số người và là hiện thực đau thương cho một số người khác

Zui zui: bài báo mà kết quả là phân tích tổng hợp số liệu của nhiều nước thì việc danh sách tác giả dài cả trăm tên là bình thường nhé ^_____________^ Kỷ lục là đâu 3000 tác giả cho một bài báo á 😐

Khi mà danh sách tác giả có thể dài hơn cả abstract ^^

Nộp bài – Lựa chọn báo/tạp chí khoa học

Ai làm ở ngành nào sẽ biết các báo nổi, chất lượng của ngành đó. Do đó bước đầu tiên khi lựa chọn báo là … đi hỏi người khác 😉 hỏi giáo, hỏi đồng nghiệp, hỏi bất kỳ ai cùng ngành mà đã đăng báo rồi. Càng lâu năm thì khả năng biết nhiều báo trong ngành càng lớn.

Bước số 2 là xem chính các tài liệu tham khảo trong bản thảo của bạn đã được đăng ở đâu. Bạn trích dẫn được các bài đó thì chứng tỏ là cùng ngành hẹp, chủ đề tương tự… –> tiện tham khảo luôn họ đăng ở đâu là quá hợp lý.

Bước số 3 là bạn có thể sử dụng sáng kiến JANE (Journal/Author Name Estimator), vốn là 1 dự án được Hà Lan tài trợ. Bạn truy cập vô trang web của họ. Gõ tên bài báo của bạn vào và ấn tìm kiếm. JANE dùng dữ liệu của PubMed để tìm các bài báo có tiêu đề tương tự, xem các bài đó được đăng trên báo nào, thống kê lại rồi trả ra kết quả là một danh sách gợi ý các báo bạn có thể đăng bài.

  • Điểm yếu của công cụ này là nó hiện danh sách báo dựa trên số bài báo có tiêu đề tương tự được đăng trên đó nhưng không tính đến chất lượng của các bài báo hay báo đó.
  • Điểm mạnh là danh sách hiện ra cho bạn cái nhìn tổng quan tương đối tốt về các báo từng đăng bài trong ngành hẹp của mình.
Kết quả gợi ý từ công cụ JANE cho bài báo tiêu đề “Quality of life of breast cancer patients and survivors in Vietnam”

Các nhà xuất bản lớn hiện cùng đều đã phát triển công cụ đưa ra gợi ý báo phù hợp dựa trên tiêu đề và abstract.

  • Điểm yếu: Là công cụ của nhà xuất bản nào thì chỉ hiện gợi ý các báo của nhà xuất bản đó (JANE dùng database của PubMed –> không giới hạn nhà xuất bản nên phạm vi kết quả sẽ rộng hơn rất nhiều). Ngoài ra, công cụ của Wiley và Taylor & Francis mới chỉ đang là bạn Beta nên chạy rất kém.
  • Điểm mạnh: Dùng database của nhà XB nên kết quả ngoài tên báo còn có thêm một số thông tin hữu ích khác như IF của báo, thời gian xét duyệt trung bình, tỷ lệ chấp nhận trên tổng số bài nộp…Các nhà xuất bản xịn thì không có các báo dỏm/tạp chí săn mồi.
Kết quả gợi ý từ công cụ của NXB Springer cho bài báo tiêu đề “Quality of life of breast cancer patients and survivors in Vietnam”

Nộp bài – Kiểm tra chất lượng báo/tạp chí khoa học

Sau khi nhắm được một số lựa chọn thì bạn cần đi kiểm tra xem báo đó có IF (impact factor) là bao nhiêu, được index ở đâu, có phải là predatory journals không (dịch là gì nhỉ? Báo dỏm? Tạp chí săn mồi? Cơ bản là chất lượng thấp, không có quá trình bình duyệt, kiếm tiền từ người muốn đăng bài).

Thông thường báo có IF, được index ở các hệ thống có tiếng (ISI, Scopus), hoặc thuộc nhà xuất bản có tiếng (Springer, Elsevier, Taylor & Francis, BMJ, BioMed Central, Wiley…) thì không phải predatory journals. Lưu ý là điều ngược lại không có đúng nhé. Ví dụ báo mới, chưa được index, báo chưa có IF nhưng vẫn có thể là báo xịn, thậm chí cực xịn.

Nếu tìm trên 2 danh sách trên mà không có thì có thể quay ra xem báo đó có nằm trong danh sách predatory journals của Beall không (Beall’s list of Potential Predatory Journals and Publishers là danh sách được lập và cập nhật bởi Jeffrey Beall, làm việc ở thư viện của Đại học Colorado, Mỹ)

Lưu ý sự khác biệt giữa Open accessed journals và predatory journals

Cái này rất quan trọng. Một cơ số nhà báo viết vớ vẩn và nhầm lẫn giữa hai khái niệm này và đánh đồng tất cả các báo mà tác giả phải trả tiền để đăng là predatory journals –> SAI HOÀN TOÀN.

Đa phần các báo dỏm yêu cầu tác giả trả tiền để đăng bài –> đúng NHƯNG điều NGƯỢC LẠI KHÔNG ĐÚNG. Ở đâu ra cái suy luận đó.

Open access là một xu hướng xuất bản đang rất được thúc đẩy gần đây, hướng tới việc cung cấp các dữ liệu/thông tin khoa học hoàn toàn miễn phí cho mọi người muốn truy cập/đọc. Trước đây báo đăng lên mà không có open access thì muốn đọc cần 1) trả tiền, 2) có tài khoản của trường/viện/cơ quan nghiên cứu (đã mua quyền truy cập), 3) Tải lậu (dùng Sci-hub thần thánh chẳng hạn ^^). Việc này hạn chế sự phổ biến của kiến thức khoa học đến đại chúng/đến người quan tâm. Một luận điểm hay được đưa ra là tiền làm khoa học là từ tiền thuế thu từ dân mà đến khi có kết quả, dân – là cái người trả tiền đó – lại không được đọc –> vô lý 😉 Nói túm lại là tác giả hoặc cơ quan/quỹ tài trợ nghiên cứu phải trả tiền cho nhà xuất bản để họ để họ thiết lập quyền truy cập mở cho bài báo. Khác biệt chính yếu là ở điểm này nha

  • Predatory journals: Trả tiền để bài ĐƯỢC ĐĂNG. Không có quá trình bình duyệt
  • Journals with open access policy: Trả tiền để bài ĐƯỢC MỞ CHO MỌI NGƯỜI ĐỌC. Muốn được “đăng” thì vẫn phải qua được quá trình bình duyệt.

Mình không rõ các ngành khác như thế nào nhưng ngành mình “public health” thì theo cái open access movement này cực mạnh. Rất nhiều báo hàng đầu trong ngành đều đã chuyển hẳn sang áp dụng chính sách này. Báo nào chưa chuyển hẳn thì cũng đều có lựa chọn Open Access hết.

Chỉ trích đối với chính sách này là “nhà khoa học từ các nước nghèo, các nhà nghiên cứu độc lập không nhận funding từ tổ chức nào thì tiền đâu ra mà trả cho Open Access?” Hỏi đúng lắm à nha 😀

Các báo hầu hết đều có chính sách miễn phí cho tác giả từ các nước có thu nhập thấp (low income countries) hoặc giảm 50% phí cho tác giả từ các nước nằm trong danh sách thu nhập trung bình thấp (lower middle income countries). Việt Nam nằm trong nhóm thứ 2 này nè.

Mấy nước giàu thì chuyển sang dạng này cũng chẳng gặp vấn đề gì lắm. Phí cho open access thường được trả bởi trường đại học/cơ quan/viện nghiên cứu, nằm trong grant mà dự án nhận được… Nhìn bản đồ dưới đây là thấy cái sự bất công liền

Open access fund map: Châu Âu và Mỹ chiếm thượng phong, cách rất xa luôn!

Tạm thế đã vì dài quá rồi 😉 Ai có câu hỏi gì thì cứ cho mình biết để mình bổ sung nhé.

Hope it helps!


There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply