Đừng lạc dưới lòng đất Paris :)

(Last Updated On: July 16, 2022)

Hệ thống tàu điện ngầm là một biểu tượng của thành phố Paris. Đến Paris mà chưa đi metro thì coi như đã bỏ lỡ 1 kỳ quan đáng kể của thành phố này!

***

Hệ thống Metro, RER và Bus

Giao thông công cộng tại Paris thực ra bao gồm 3 hệ thống: Metro (the Métropolitain), RER và Bus.

METRO

  • Với 16 line, 303 trạm đỗ, chạy ngoằn ngoèo… 214km dưới lòng đất, hệ thống metro của Paris là hệ thống lớn thứ 2 ở Châu Âu, chỉ đứng sau Moscow (Nga). Với visa Schengen dĩ nhiên bạn ko đi được Nga, hay nói cách khác, metro ở Paris sẽ là hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất và hoàn thiện nhất mà bạn có thể được chiêm ngưỡng ở khối Schengen.
  • Làm 1 chút so sánh nhé, Amsterdam có 3 line metro, Copenhagen có 2, Prague 3, Budapest 4, Rome 3. Với 16 line metro (và chưa kể 5 line RER), không có điểm nào ở nội thành Paris mà hệ thống public transport không đưa bạn đến được và đưa đến rất gần là đằng khác 🙂

RER

  • RER – hệ thống tàu ở nội và ngoại ô Paris. Trong nội đô, tàu RER cũng chạy ngầm dưới mặt đất như metro. Dừng ở ít bến nên RER nhanh hơn metro –> bạn nên ưu tiên chọn RER khi di chuyển để tiết kiệm thời gian

Trên các bản đồ, mỗi một RER hay Metro line khác nhau thì có màu khác nhau. Ví dụ, M1 màu vàng, M4 màu tím, M7 hồng nhạt, RER A màu đỏ… Để phân biệt RER và Metro thì lưu ý là line metro đánh số (1, 2, 3, 4) còn RER ký hiệu line bằng chữ cái (A, B, C, D, E).

BUS

  • Nói thật là vì 2 cái trên quá tiện nên mình chẳng đi bus ở Paris lần nào 🙂 Ưu điểm của bus thì là ngắm được đường xá khi đi nhưng vì mình đi bộ suốt nên ngắm còn nhiều hơn –> bus bị bỏ bê hoàn toàn.

CÁCH SỬ DỤNG

  • Việc đầu tiên là cần 1 cái bản đồ, có thể download rồi để sẵn vô máy điện thoại hoặc đến nơi lấy ở bến tàu xe, metro, rất nhiều.
Bản đồ hệ thống Metro và RER ở Paris (có kèm vị trí 1 số danh lam thắng cảnh). Nhấn vào ảnh để download ảnh cỡ lớn!
  • Việc số 2 là tập cách nhìn bản đồ. Bạn có thể chuyển giữa các line Metro và RER để đến đích. Ví dụ, khách sạn của bạn ở gần bến Saint-Ambroise của Line 9 và bạn cần đến bảo tàng Lourve. Coi trên bản đồ Lourve gần bến Musee du Lourve của Line 1.
    • Cách 1: nhảy lên line 9 (hướng Maire de Montreull) đến bến Nation, nhảy xuống, trèo lên Line 1 (hướng La Defense), xuống ở Lourve
    • Cách 2: lên Line 9 (hướng Pont de Serves) đến bến Rébulique, chuyển sang Line 11 (hướng Châtelet) đến bến Hôtel de Ville, chuyển sang Line 1 (hướng La Defense), xuống ở Lourve

Có cả 100 cách đi luôn, tùy bạn chọn line nào, đi về hướng nào và đổi line ở đâu!

Minh họa cho ví dụ ở trên

Lưu ý QUAN TRỌNG:

  • Khi dùng T+, chuyển từ metro sang RER là phải đổi vé khác, đổi giữa các line của metro hay của RER thì chỉ cần 1 vé. Với pass thì đương nhiên đổi thoải mái vì không giới hạn số lần đi mà.
  • Không quen thì đừng đổi line ở các bến lớn. Ví dụ Châtelet là bến metro lớn nhất Châu Âu! 3 line RER và đến 5 line Metro gặp nhau ở đây. Mỗi line có 2 hướng đi nữa, vậy là 16 đường ray khác nhau. Rất dễ nhầm, chưa kể đi bộ mòn gót để đổi line do bến quá rộng.
  • Đặc biệt chú ý hướng đi. Ví dụ: cùng là line 9 nhưng có 2 hướng ngược nhau, Maire de Montreull và Pont de Serves. Xuất phát từ Saint-Ambroise, việc xác định muốn đến Nation thì đi hướng nào và muốn đến Républic thì đi hướng nào là rất quan trọng.

Bài tập :D, kiếm cách đi từ Faidherbe Chaligny tại line 8 đến nhà thờ Đức bà, gần bến Cité của line 4

TICKET, PASS/TRAVEL CARD

Chỉ nhắc đến các loại mà dân du lịch hay dùng nhất thôi nhé. KHÔNG phải là toàn bộ các loại vé, card, pass của Paris đâu (do không cần thiết. Để xem đầy đủ, bạn có thể ghé trang web của RATP là đơn vị chủ quản hệ thống giao thông công cộng của Paris).

Từ trên xuống, vé đơn T+, Mobilis và Juene card (<26 tuổi)

1) Vé đơn “ticket T+” và Vé tệp 10 “carnet”

  • Giá: Vé đơn =1.8e. Carnet (Thực ra là mua 10 vé T+ 1 lúc) = 14.4e
  • Có giá trị tại: Zone 1, 2. Ngoại lệ: có 1 số điểm cuối metro line nằm ở tận Zone 3 (vd: La Defense của M1) thì vẫn dùng vé này được
  • Vé đơn T+: Ko nên dùng (trừ khi chỉ đến Paris 1 ngày, 1 mình và dùng metro < 10 lần)
  • Carnet (10 T+): Nên dùng nếu đi theo nhóm đông người, đi bộ nhiều và ít dùng metro/RER hoặc dùng cho những ngày chỉ đi tham quan trong nhà, di chuyển ít (đi bảo tàng chẳng hạn)

2) Vé ngày “Mobilis”

  • Giá vé tùy theo số zone bạn mua.
  • Thời hạn: Dùng được từ 0h sáng đến 12h đêm. Đây là vé ngày không phải vé 24h –> không phải tính từ lúc bạn quẹt thẻ mà tính từ lúc 1 ngày mới bắt đầu. Bạn có thể mua trước vé Mobilis, định đi ngày nào thì ghi ngày đó vào trên vé.

3) Vé được thiết kế riêng cho tourist: Paris Visite

  • Gần giống Mobilis nhưng trong khi Mobilis mỗi ngày bạn phải mua 1 cái mới thì Visite có thể mua cho 1 cụm ngày luôn (chỉ 1 vé), vì nó có loại 1, 2, 3 và 5 ngày.
  • Ưu đãi của Visite là bạn được hưởng 1 số discount (giảm giá) khi mua vé vào 1 số điểm tham quan (cung điện, bảo tàng…)

Nhìn vào giá thì thấy ngay là không nên mua Visite 1 hay 2 ngày vì nó đắt hơn mua rời Mobilis cho từng ngày 😉 Từ 3 ngày trở lên thì Visite sẽ rẻ hơn chút đỉnh.

4) Juene card, vé cuối tuần cho người < 26 tuổi

  • Lợi ích tuyệt vời của tuổi trẻ ^______^ Vé này chỉ có thể sử dụng vào thứ 7 và chủ nhật (hoặc ngày lễ). Rẻ hơn bình thường rất nhiều.

Tóm tắt giá cả các loại vé/pass

Zones 1-2Zones 1-3Zones 1-4Zones 1-5
Ticket T+1.8en/an/an/a
Carnet (10 T+)14.4e
Mobilis7e9.3e11.5e16.6e
Paris Visiten/a1 ngày=11.15
2 ngày=18.15
3 ngày=24.80
5 ngày=35.70
n/a1 ngày=23.50
2 ngày=35.70
3 ngày=50.05
5 ngày=61.25
Juene cardn/a4e8.7e
Note: Giá updated T7/2016Source: 5continents4oceans.com

KẾT LUẬN QUAN TRỌNG: Không nên dùng chỉ 1 loại pass. Nên dùng phối hợp một cách linh hoạt

Ví dụ: Bạn < 26 tuổi, thăm Paris 3 ngày, từ thứ 5 đến thứ 7 ngày x tháng y. Đi từ Bỉ, ko đi Disneyland.

  • Thứ 7 sẽ mua được vé rẻ Juene Zones1-3–> nên dành để đi nhiều nhất,  bạn tính thăm trung tâm thành phố (tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, khải hoàn môn, đại lộ Champs Elysees, điện Pantheon…)
  • Thứ 6 đi Versailles rồi chiều về qua Montmatre chơi, đêm dạo sông Seine chẳng hạn –> mua Mobilis Zone 1-4 (Versailles nằm ở zone 4)
  • Thứ 5 đi bảo tàng Lourve. cuốc bộ quanh khu Le Marais, thưởng ngoạn vườn Luxembourg. Di chuyển ít –> mua T+ nếu đi 1 mình, hoặc carnet nếu đi cả nhóm bạn.
  • Tổng kết: Nếu chỉ dùng Visite, phải mua loại 1-5 để đi được Versailles, 3 ngày = 50.05. Nếu phối hợp các loại pass: Juene 1-3=3.85 + Mobilis 1-4=11.5 + 2 vé T+=3.6. Tổng = 18.95

***

Tuy vô cùng tiện tích, cùng không nên bỏ qua mặt trái của hệ thống metro và RER ở Paris.

Thứ nhất, thiên đường của dân 2 ngón 🙂 chỉ 2 giây mất tập trung, 2 ngón tay của dân chuyên nghiệp (chắc họ tập dữ lắm) đã có thể cuỗm được cái ví ở trong cái túi xách mà bạn đang đeo + kẹp chặt dưới tay!!! Tin mình đi, Paris, Rome, Barcelona là tam giác vàng của trộm cắp, là nơi tập trung các “giáo sư”, “thiên tài” ăn trộm số 1 Châu Âu.

Để phòng tránh thì cách đơn giản và cơ bản nhất là KHÔNG VÍ, KHÔNG (nhiều) TIỀN MẶT, KHÔNG PASSPORT, KHÔNG THẺ CƯ TRÚ trong người. Thẻ ngân hàng + 20e đút túi quần trước là thừa đủ cho bạn sống khỏe và sống an toàn.

Thứ hai: BẨN và MÙI. Yep, metro ở Paris chẳng sạch sẽ gì. Ngoài 1 số line mới hiện đại như M1, có nhiều line cũ, tàu ọp ẹp, xấu và bẩn. Mùi khai (khốn thay) có thể thấy ở mọi bến tàu.

Thứ ba: ĐÔNG ĐÚC và ỒN ÀO. Đặc biệt là tại các line chính, lắm khách du lịch như M1 và vào giờ cao điểm. Nếu bạn ko thích 1 trong 2 điểm trên, xin chia buồn.

Anyway, thực ra thì cũng đáng, vì bạn có cơ hội được thấy 1 góc khác của Paris hoa lệ và hào nhoáng, 1 góc dù xấu hơn nhưng thực hơn. Xuống lòng đất bạn thấy nhiều lắm, những người ăn xin nhếch nhác, những nghệ sĩ đường phố biểu diễn cố kiếm vài đồng lẻ, những mưu sinh tất bật của chủ những gian hàng nhỏ. Bạn thấy người người đi lại tấp nập như mắc cửi, thấy người ta cắm mặt mà đi hay cong đuôi mà chạy khi lỡ tàu, ai ai cũng bị cuốn đi bởi công việc hay một suy nghĩ nào đó. Nhịp sống nơi các bến metro nhanh phát nản, chẳng phù hợp với các du khách lơ ngơ như bò đội nón (nếu ko quen với hệ thống di chuyển ở Châu Âu) hay dạng du khách thích nghĩ vẩn vơ như mình.

Tóm lại của tóm lại là tùy các bạn phát xét. Mình không thích Paris, dù đã đến 3 lần, đã thử nhiều góc rất khác nhưng vẫn không cảm được như người ta cảm 😉 thì đành vậy chứ biết làm sao.

Chúc các bạn đi lại thuận tiện khi ghé thăm Paris.

P/s: Ghé thăm 1 thành phố khác và thắc mắc về di chuyển tại đó? Xem series Giao thông công cộng tại một số thành phố lớn của Châu Âu nhé. Còn nếu cần tips về thuê chỗ ở tại Paris? vào post Chỗ ở tại Paris cho dân du lịch – không đắt và khó kiếm như bạn tưởng HAY tips về chỗ ở tại 1 thành phố nào đó? Post Accommodation in EU xin sẵn sàng phục vụ bạn 😉

Have fun when roll around!

Bask

Comments

comments

Leave a Reply