Review quy trình xin UK Global Talent Visa

(Last Updated On: January 25, 2023)

Trong tất cả các loại visa của UK thì Global Talent Visa là loại có nhiều ưu đãi nhất! Dĩ nhiên khi lợi ích càng cao thì yêu cầu càng khó nhưng xơi được thì ngon nha ^^ Cùng review điều kiện, lợi ích và quy trình appy visa này nhé.

Disclaimer: Thông tin chính thức và đầy đủ nhất các bạn có thể xem trên trang web của chính phủ. Trong bài viết này mình sẽ chỉ tóm tắt một số ý chính và thêm chút lưu ý khi apply từ kinh nghiệm bản thân. Mình không phải luật sư, không làm dịch vụ về visa/định cư, không phải dịch vụ tư vấn du học nha 🙂 Dĩ nhiên bạn có câu hỏi thì mình sẵn lòng trả lời nếu biết.

ĐIỀU KIỆN để được xin Global Talent Visa (GLT visa)

Đầu tiên, điều kiện được apply, dịch nguyên văn từ GOV.uk: Bạn có thể nộp đơn xin thị thực Global Talent để làm việc tại Vương quốc Anh nếu bạn là nhà lãnh đạo hoặc nhà lãnh đạo tiềm năng trong một trong các lĩnh vực sau:

  • Học thuật hoặc nghiên cứu
  • Nghệ thuật và văn hóa
  • Công nghệ kỹ thuật số

Cái điểm quan trọng nhất cần chú ý trong cái đoạn trên là

  • “Tài năng” đến mức độ như thế nào mới được tính là “nhà lãnh đạo hay nhà lãnh đạo tiềm năng” (leader or potential leader)? Và
  • Làm thế nào để chứng minh cái “tài năng” đó?

Yên tâm, các bạn UK cũng đã tử tế liệt kê cụ thể các yêu cầu và giấy tờ dùng để chứng minh cho mỗi lĩnh vực kể trên. Về cơ bản là bạn cần xin “endorsement”.

Nói thật là dịch cái từ endorsement ra cho hay hơi khó nên xin phép giữ nguyên từ gốc trong bài nhé. Nghĩa theo từ điển thì là “sự chứng thực”. Ở trong bối cảnh GTL visa thì có thể hiểu là đi xin chứng thực/xác thực về mức độ tài năng ý 😉 Việc chứng thực này do các cơ quan chuyên môn liên quan làm chứ Home Office (Sở di trú) không có khả năng này. Chi tiết cách xin endorsement thì mình sẽ nêu cụ thể hơn ở phần quy trình apply nhé.

ƯU ĐIỂM của Global Talent Visa

Trong tất cả các loại visa của UK thì Global Talent Visa có thể nói là loại có nhiều ưu đãi nhất!

Để cho dễ hình dung, mình sẽ so sánh GTL visa với 2 loại visa phổ biến khác giúp bạn có quyền đi làm ở UK là skilled worker visa và graduate visa. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại visa sau du học tại UK và 1 số nước Châu Âu tại post VISA TÌM/LÀM VIỆC TẠI EU SAU DU HỌC.

Graduate visaSkilled worker visaGlobal Talent Visa
Tốt nghiệp từ 1 trường ở UKBắt buộcKhông cầnKhông cần
Sponsor từ employerKhông cầnBắt buộcKhông cần
Thay đổi chức danh hoặc nơi làm việcCho phépCần xin lại visa mớiCho phép
Làm việc tự do (self-employment), start-up, làm thêm kiểu freelancer/cố vấn ngoài công việc chínhCho phépKhông cho phépCho phép
Đạt mức lương tối thiểuKhông yêu cầuBắt buộcKhông yêu cầu
Thời hạn visa2 năm cho sinh viên tốt nghiệp cử nhân/thạc sĩ 3 năm cho tiến sĩ  Tùy thuộc vào thời hạn của hợp đồng lao động  Được tùy chọn từ 1 đến 5 năm cho lần xin đầu tiên
Gia hạn visaKhông được gia hạnGia hạn thoải mái số lần (mỗi lần gia hạn tối đa 5 năm)Gia hạn thoải mái số lần (mỗi lần gia hạn tối đa 5 năm)
Thẻ định cư vĩnh viễn (IRL)Không được (trừ trường hợp tính vào route 10 năm)Sau 5 nămSau 3 hoặc 5 năm* (trong GTL visa còn chia ra thành 2 nhóm nhỏ)
Thời gian được rời UK nếu muốn xin IRLTối đa 180 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng (bất kể lý do)Tối đa 180 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng (bất kể lý do)Nếu rời UK để phục vụ các hoạt động nghiên cứu thì sẽ không tính vào giới hạn 180 ngày

Phần lớn các điểm trên đều dễ hiểu, chỉ có vấn đề xin định cư vĩnh viễn (indefinite leave to remain hay IRL) là hơi loằng ngoằng một chút nên mình sẽ tập trung nói rõ hơn về phần này.

Vấn đề 1: Bao lâu thì được xin IRL

3 hoặc 5 năm, tùy thuộc vào cách mà bạn xin endorsement nhé.

  • 3 năm: Nếu bạn không phải xin endorsement (khi bạn có mấy cái giải thưởng khủng quốc tế kiểu Nobel hay Field medal ý)
  • 3 năm: Nếu bạn
    • Làm trong lĩnh vực học thuật hoặc nghiên cứu được endorse bởi 1 trong 4 cơ quan sau: the British Academy, the Royal Academy of Engineering, the Royal Society, UK Research and Innovation.
    • Làm trong lĩnh vực nghệ thuật/văn hóa hoặc công nghệ kỹ thuật số được endorse bởi Arts Council England hoặc Tech Nation được xếp vào nhóm ‘exceptional talent’ (còn 1 nhóm là ‘exceptional promise’ thì phải 5 năm mới được xin IRL)

Chỉ có 1 loại visa dẫn đến định cư nhanh hơn Global Talent Visa thôi. Đó là visa tier 1 (dạng đầu tư) khi bạn đổ vô UK 10 triệu bảng lol —> 2 năm là được IRL rồi.

Vấn đề 2: Tính số năm như thế nào?

Nói 3 năm là được xin IRL KHÔNG có nghĩa cả 3 năm đó bạn phải có GTL visa nhé! 3 năm này được tính cả thời gian của skilled worker visa (nếu có) nha.

Ví dụ, bạn đi làm dưới dạng skilled worker visa 2 năm 11 tháng. Sau đó chuyển được sang GTL visa thì chỉ cần 1 tháng sau (đủ 3 năm tổng) là đã được xin IRL rồi ^^

Đây là ví dụ của trường ĐH Cambridge trong văn bản hướng dẫn cho nhân viên

QUY TRÌNH APPLY

Quy trình apply gồm 2 bước:

Stage 1 – apply for endorsement (Xin chứng thực tài năng)

Có thể bỏ qua stage 1 nếu:

  • Đạt 1 số giải thưởng trong danh sách của Home Office. Mỗi nhóm ngành thì có 1 danh sách riêng, rất cụ thể. Trong nhóm giải thưởng khoa học, kỹ thuật, nhân văn và y học thì toàn kiểu giải Nobel, Field Medal… Cái gì khó quá bỏ qua nha ^^
  • Đã từng được endorsed trước đây –> cần gia hạn GTL visa

Cách xin endorsement tùy thuộc vào “tài năng” của bạn thuộc lĩnh vực nào trong số 3 lĩnh vực đã nêu ở trên.

Trong mỗi lĩnh vực lại chia ra làm 3-5 nhóm nhỏ nữa và endorsement cho mỗi nhóm nhỏ cũng khác. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực ra bạn làm gì thì sẽ biết mình ở chính xác nhóm nào nên chỉ cần quan tâm đọc thông tin của nhóm đó thôi.

Điền form, đóng tiền xong xuôi thì bạn sẽ nhận được email xác nhận và yêu cầu nộp các giấy tờ liên quan qua mail (do hệ thống không có chỗ upload tài liệu). Trong email xác nhận sẽ có hướng dẫn cụ thể. Về cơ bản bạn sẽ gửi các giấy tờ được yêu cầu đến [email protected]. Từ đó, họ sẽ chuyển tiếp giấy tờ đến cơ quan sẽ cấp endorsement letter cho bạn (ví dụ: UKRI). Bạn sẽ nhận được kết quả từ cơ quan này.

Endorsement letter có giá trị 3 tháng nhé. Nếu trong khoảng thời gian đó mà chưa nộp visa ở bước 2 thì sẽ phải xin endorsement lại.

Stage 2 – apply for visa (Xin visa)

Sau khi có endorsement ở bước 1 thì qua bước nè.

Tại bước 2 này thì quan trọng nhất là bạn sẽ chọn số năm muốn xin visa, từ 1 đến 5 năm. Khác với skilled worker visa là thời hạn visa sẽ dựa trên hợp đồng lao động (Hợp đồng 1 năm thì visa 1 năm), GTL visa thì bạn có thể chọn 5 năm dù hợp đồng chỉ có 2 năm hoặc chọn 1 năm dù hợp đồng 5 năm ^^ (TH này là khi bạn chỉ cần <=1 năm là đủ thời gian để xin IRL).

Sau khi khai xong form và nộp tiền thì sẽ cần lấy dấu vân tay và chụp ảnh. Tùy visa hiện tại của bạn là gì mà có thể phải đặt lịch hẹn và đến trực tiếp văn phòng của UKVCAS hoặc chỉ cần dùng UKVCAS IDV app để scan thông tin biometric từ thẻ BRP hiện tại.

Nếu phải đến văn phòng của UKVCAS thì lịch hẹn có 2 loại là mất phí và miễn phí. Miễn phí thì hiếm, thường phải căn và chờ lâu, còn mất phí thì dĩ nhiên là nhanh gọn nhẹ rồi (phí tầm >£100, tùy thành phố). Mình phải đợi 3 tuần mới có slot trống ở thành phố mình ở (ai vội có thể lên London có VIP access, chi nhiều tiền là được ^^).

QUY TRÌNH XIN ENDORSEMENT (stage 1)

Do yêu cầu cho các bạn bên nghệ thuật văn hóa và công nghệ kỹ thuật số khác nên mình không lạm bàn. Mình sẽ chỉ review quy trình cho lĩnh vực mà mình nộp: Học thuật hoặc nghiên cứu. Nếu ‘tài năng’ của bạn ở trong lĩnh vực này thì có 4 cách để xin endorsement (4 routes) và khi điền form thì quan trọng nhất là chọn cho đúng route vì cơ quan và quy trình xét duyệt cho mỗi route là khác nhau!

  • Route 1: Academic and research appointments
  • Route 2: Individual fellowship
  • Route 3: Endorsed funders
  • Route 4: Peer review

Trong đó, route 1, 2, 3 là fast-track, sẽ được duyệt trong vòng 2 tuần. Route 4 – Peer review thì sẽ có kết quả trong vòng 5 tuần.

Route 1: Academic and research appointments

Để theo route này cần đảm bảo 2 điều kiện

  1. Nhận được job offer làm việc tại một trong các trường đại học hay viện nghiên cứu nằm trong danh sách của chính phủ
  2. Cái job đó nó nằm ở mức senior/leadership (vd: PI, lab leader, research team leader…)

Link xem Thông tin chi tiết về Route 1

Route 2: Individual fellowship

Để theo route này bạn cần nhận được 1 cái fellowship (tạm dịch: học bổng nghiên cứu) trong vòng 5 năm trở lại đây. Mấy cái fellowship này đều dành cho nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) trở lên nhé.

Link xem Danh sách các fellowship đủ điều kiện

Route 3: Endorsed funders. Đây là route mà mình nộp

Để theo route này bạn cần

  • Làm việc trong một dự án nghiên cứu được tài trợ (nhận tiền) từ một trong các cơ quan/tổ chức nằm trong danh sách của UK Research and Innovation – UKRI (Cơ quan Nghiên cứu của Chính phủ Anh)
  • Tên của bạn hoặc chức danh của công việc mà bạn làm cần phải được nêu trong đề cương nghiên cứu khi xin tài trợ và grant award letter
  • Ngoài 2 ý chính trên thì còn 1 cơ số điều kiện nho nhỏ khác như còn ít nhất 1 năm hợp đồng làm việc trong dự án, ít nhất 50% thời gian là làm cho dự án đó, dự án có giá trị tối thiểu £30,000 và kéo dài ít nhất 2 năm, có bằng PhD…

Nếu theo route này, bạn sẽ cần nộp 2 thứ giấy tờ

  1. Grant award letter (thư cấp tiền cho dự án từ tổ chức tài trợ)
  2. Statement of guarantee (thư xác nhận từ bộ phận HR trong đó cần nêu rõ bạn đáp ứng đủ các tiêu chí của route này)

Cả 2 giấy tờ này mình đều không phải chuẩn bị mà bên HR làm hết. Nói chung cái statement of guarantee nghe có vẻ lằng nhằng nhưng HR họ có mẫu sẵn rồi, thay tên đổi họ vào thôi, nhanh lắm ^^

Link xem Thông tin chi tiết về Route 3

Route 4: Peer review

Nếu không đủ điều kiện cho 3 route trên thì theo route này. Mình thấy đây cũng là route có rủi ro bị từ chối cao nhất vì 3 route trên điều kiện + giấy tờ chứng minh rất rõ ràng. Bản thân việc cho 3 route trên vào fast-track cũng chứng tỏ điểm này.

Đại khái bạn cần có bằng PhD, 1 em CV đẹp long lanh và 1 thư giới thiệu (letter of recommendation) từ một nhà khoa học đầu ngành có tiếng ở UK (an ‘eminent person’ in the UK with ‘internationally recognised expertise’ in your field).

Link xem Thông tin chi tiết về Route 4

Tóm tắt về 4 route này các bạn xem ở ảnh dưới nhé (có thể ấn vào ảnh để down file gốc pdf về).

4 con đường để xin endorsement trong quá trình apply UK Global Talent Visa

PHÍ VISA + PHỤ PHÍ BẢO HIỂM

Phí cho bước 1= £456, bước 2 = £167. Vậy tổng là £623

  • Nếu không cần qua bước 1 (không cần xin endorsement do có giải thưởng): vẫn nộp £623 lol, từ chối hiểu lý do nha
  • Nếu nộp cho người phụ thuộc (vợ/chồng, con) thì mỗi hồ sơ là £623
  • Phụ phí bảo hiểm (immigration health surcharge): £624/người/năm. Nộp visa bao nhiêu năm và cho bao nhiêu người thì nhân lên. Chính vì cái phí này mà một số gia đình khi xin visa muốn trầm cảm luôn. Kiểu nhà 4 người, nộp visa 3 năm thôi thì nhân lên đóng gần £8,000 ☹ (chưa kể phí visa ~ £2,500 nữa)

THỜI GIAN XỬ LÝ HỒ SƠ

  • Đối với stage 1 – apply for endorsement thì thời gian trả lời cho fast track là 2 tuần làm việc. Tuy nhiên mình nhận được endorsement letter sau đúng 1 ngày làm việc 😉
  • Đối với stage 2 – apply for visa thì thời gian trả lời là 3 tuần (nếu apply từ ngoài UK) hoặc 8 tuần (nếu apply tại UK) kể từ lúc thông tin biometric được gửi tới UKVI. Thực tế thì mình nhận được kết quả sau 2 tuần (nộp tại UK)

***

Vậy nha cả nhà, hy vọng giúp được ai đó ^^. Good luck!

There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply