Thứ hạng (ranking) của một trường đại học có quan trọng?

(Last Updated On: March 20, 2020)

Chắc là ai trước khi nộp hồ sơ vào một trường nào đó đều sẽ để ý đến “danh tiếng” và “xếp hạng” (ranking) của trường đó, nhất là khi nộp cho các trường ở nước ngoài. Vậy cái “danh” và “thứ hạng” này quan trọng đến mức nào?

Câu trả lời ngắn gọn: Không quá quan trọng!

Câu trả lời dài dòng: Thông thường thì với đại đa số sinh viên, ranking của trường không phải yếu tố được ưu tiên hàng đầu.

Yếu tố “đầu tiên” để cân nhắc là “tiền đâu” ^________^ (trừ trường hợp nhà không có gì ngoài điều kiện nhé).

Đối với người đi xin học bổng, chỗ nào cho học bổng toàn phần, chỗ đó là nhất 😉 Đối với người có mục tiêu định cư sau khi học, nước nào có chính sách định cư dễ là nhất. Đối với người muốn đi để trải nghiệm thì môi trường sống và học là quan trọng. Còn với nhân tài học hành thì chắc trường nào càng xịn càng tốt rồi ^^!

Khi tuyển dụng, kinh nghiệm và năng lực vẫn được đánh giá cao hơn cái mã trường! Quan điểm cá nhân: Thay vì chạy theo cái phù phiếm như thứ hạng thì nên trau dồi kinh nghiệm làm việc của bản thân.

Bảng xếp hạng trường đại học

Nói đến bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới thì có khá nhiều, tuy nhiên uy tín cũng như được nhiều người coi nhất là QS World University RankingsTHE World University Rankings (THE là viết tắt của Times Higher Education).

Một số điểm lưu ý khi xem ranking của 1 trường

Quan trọng nhất: Không phải cứ ranking cao đã là tốt và không phải ranking thấp hoặc thậm chí không có trong bảng xếp hạng ranking đã là vớ vẩn!!!

Ví dụ: Trong ngành của mình (public health), nói viện KIT (Royal Tropical Institute, Amsterdam, Hà Lan) hầu như ai cũng biết. Cực kỳ có tiếng. Nhưng đây không phải là trường đại học mà là một viện nghiên cứu –> họ không có tên trong bất kỳ bảng xếp hạng “trường đại học” nào hết!

  • Thứ hạng tổng thể và thứ hạng theo ngành có thể cực kỳ khác nhau (1 trường được đánh giá cực tốt về ngành A và có ranking cao ở ngành này nhưng có ranking tổng thấp)
  • Nếu theo định hướng nghiên cứu (hay làm PhD) thì nên hướng tới các trường thiên về định hướng này –> điểm này còn quan trọng hơn ranking tổng thể hay ranking ngành

Ví dụ: Ở AnhRussel Group là nhóm 24 trường đại học thiên về nghiên cứu hàng đầu. Anh có tầm 130 trường đại học nhưng chỉ riêng 24 trường thuộc Russel Group đã công bố hơn 2/3 số lượng các bài báo/công trình nghiên cứu khoa học và cấp ~60% số bằng tiến sĩ của cả nước 😉 Ở Hà Lan, hệ thống trường đại học được chia rõ làm 2 loại, Research universities Universities of Applied Sciences (Tiếng HL: Hogescholen). Tên gọi mô tả định hướng khác nhau của 2 hệ thống trường, 1 thiên về nghiên cứu/học thuật và 2 thiên về ứng dụng.

  • Nếu muốn xin visa ở lại làm việc tại Châu Âu nên hướng tới các trường trong top 200! Lý do là ví dụ như Hà Lan có “search year visa” 1 năm cấp cho bất kỳ ai tốt nghiệp từ 1 trường trong top 200 của thế giới! (Đọc thêm về search year visa của HL ở post Ở lại làm việc tại Châu Âu sau du học)
  • Cuối cùng, nếu nhìn vào tiêu chí xếp hạng trong hình dưới đây cũng sẽ thấy các trường không định hướng nghiên cứu, trường nhỏ, trường mới thành lập, trường ở các nước nhỏ/nước đang phát triển thiệt thòi như thế nào khi bị đánh giá bởi các tiêu chí xếp hạng!
Tiêu chí của bảng xếp hạng trường đại học THE (Giảng dạy, nghiên cứu, trích dẫn khoa học, “hình ảnh” quốc tế và thu nhập)

Cân nhắc gì khi lựa chọn nơi học (ngoài ranking)?

Trải nghiệm đi du học không chỉ gói gọn trong việc “học”, đó còn là việc “sống” và trải nghiệm ở nước ngoài. Do đó, thông thường sinh viên sẽ cân nhắc các yếu tố sau khi chọn nơi để học:

  • Nhóm học thuật: Danh tiếng và thứ hạng của trường, chất lượng giảng dạy, tỷ lệ ra trường có việc làm…
  • Nhóm chi phí: Học phí, chi phí tại nơi sống, học bổng bán phần hoặc toàn phần, các hỗ trợ khác về chi phí (như trợ thuê nhà, phương tiện đi lại …)
  • Nhóm môi trường: Môi trường dạy và học (mức độ thân thiện của giảng viên, các hỗ trợ của nhà trường đối với sinh viên quốc tế, các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên, các hoạt động ngoại khóa/vui chơi/giải trí…); môi trường sống ở thành phố theo học (nhiều sinh viên, thân thiện với sinh viên quốc tế, dễ sống, không khí vui vẻ hay u ám, ồn ào/náo nhiệt hay yên tĩnh ^^! Dân bản địa có nói Tiếng Anh hay không)
  • Nhóm việc làm/định cư: Khả năng xin việc hoặc định cư tại nước sở tại

Ví dụ thực tế

Trải nghiệm tại các trường đại học: Mình đã/đang học tại 3 trường thuộc 3 nước khác nhau (thứ hạng là tính ở thời điểm đi học nhé)

TênTên viết tắtĐịa điểmThứ hạng
Royal Tropical InstituteKITAmsterdam, Hà LanNA* (xem chú thích)
University of CopenhagenKUCopenhagen, Đan Mạch51
Queen’s University BelfastQUBBelfast, Vương quốc Anh151-160
* Chú thích: Không tồn tại ở bất kỳ bảng xếp hạng nào trên toàn thế giới. Vì bản chất KIT vốn không phải trường đại học mà là 1 viện nghiên cứu, có kiêm thêm đào tạo chỉ 2 lớp thạc sĩ 😉

Như các bạn thấy, thứ hạng từ cao đến thấp của các trường này: KU –> QUB –> KIT. Thứ tự yêu thích của mình (từ cao đến thấp): KIT –> QUB –> KU. Thấy sự đảo ngược 100% không 😉 Lý giải:

  • Viện KIT nhỏ, chỉ có 2 lớp thạc sĩ (tổng khoảng 50 sinh viên) nên giảng viên/cán bộ viện biết từng sinh viên, không chỉ biết mỗi cái mặt và tên mà đủ thứ lặt vặt khác, từ gia thế, hoàn cảnh, sở thích đến thậm chí người yêu 😊 Do là giờ ăn trưa, sinh viên thường ra ngồi ăn cùng giảng viên rồi tám chuyện. Khoảng cách giữa người dạy và học là không có. Môi trường cực kỳ cởi mở và thân thiện.
  • QUB thì là trường lớn nhất Bắc Ailen, với tầm 25.000 sinh viên. Họ được cái rất cưng chiều sinh viên quốc tế (thực tế đây là đặc điểm thường thấy của các trường ở Anh), có nhiều hoạt động cũng như dịch vụ hỗ trợ. Nơi mình làm nghiên cứu sinh (Centre for Public Health) có môi trường cực thân thiện, hai thày hướng dẫn dễ thương –> ưng cái bụng
  • KU là trường lớn và lâu đời nhất Đan Mạch với gần 40.000 sinh viên. Hơi ít hoạt động và hỗ trợ cho sinh viên quốc tế. Trường quá lớn nên cảm giác xa cách. Muốn gặp coordinator của khóa học cũng phải hẹn kha khá lâu.

Lựa chọn trường thời thạc sĩ: Mình nhận học bổng toàn phần Erasmus Mundus, chương trình TropEd (về International Health), có 2 lựa chọn

  • (Đã chọn) KIT và KU
  • (Không chọn) University College London (hay UCL, Anh) + University of Bergen (hay UiB, Na Uy). UCL khi đó rank 4 toàn thế giới (hiện nay tụt xuống 8)

Cân nhắc khi đó là:

  1. UCL rank cao nhưng không quá nổi về ngành mình học
  2. London và Bergen đều đắt bắn máu mắt. Học bổng thì vẫn đủ nhưng tiền đi chơi sẽ ít đi lol
  3. Na Uy lạnh thấy mồ –> chỉ muốn chui trong chăn trốn thì học hành gì
  4. Dân Hà Lan nổi tiếng thân thiện, dân Anh nổi tiếng … “phớt Ăng lê”

7 năm đã qua từ thời điểm đưa ra quyết định và mình chưa bao giờ hối hận về lựa chọn khi đó!

Ok la, chúc các bạn chọn được trường phù hợp với điều kiện và định hướng của bản thân và quan trọng nhất là nhiều năm sau nhìn lại sẽ không phải nghĩ đến 2 từ “hối tiếc”.


There is no shame in falling downTrue shame is to not stand up again!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply