GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HỌC BỔNG ERASMUS MUNDUS (2018)

(Last Updated On: October 29, 2018)

Erasmus Mundus là một trong những học bổng toàn phần dạng merit-based nổi tiếng, danh giá và hào phóng nhất trên toàn thế giới. Dĩ nhiên đi kèm với những mỹ từ trên là tỷ lệ chọi khủng, cạnh tranh cực kỳ khốc liệt 🙂 Nếu chưa sợ và nghe hấp dẫn thì cùng tìm hiểu cụ thể hơn về học bổng này nhé!

Giải thích tên gọi Erasmus Mundus và Erasmus +

Học bổng Erasmus Mundus bắt đầu mở cho sinh viên quốc tế nộp hồ sơ từ năm 2004 và giữ tên gọi này cho đến trước năm 2014. Kể từ năm 2014, Ủy ban Châu Âu thực hiện việc tái tổ hợp một loạt các chương trình học bổng nằm dưới sự quản lý của Cơ quan điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hoá (EACEA – Education, Audiovisual and Culture Executive Agency) vào một chương trình lớn với 1 tên gọi hay nhãn hiệu (brand name) chung là ERASMUS + . Các chương trình được sát nhập gồm có Comenius, Erasmus, Erasmus Mundus, Leonardo da Vinci, Grundtvig, Youth in Action, Jean Monnet, Sports.

Mọi hoạt động quảng bá/ truyền thông chính thức của EACEA từ giai đoạn này trở đi đều dùng cái tên Erasmus +. Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể từng chương trình thì tên gọi cũ vẫn được sử dụng. Trong khuôn khổ cuốn sách này sẽ chỉ đề cập đến chương trình Erasmus Mundus Joint Masters Degrees hay luôn được sinh viên Việt Nam cũng như thế giới gọi tắt là Erasmus Mundus hay EM!

Tổng quan

Erasmus Mundus là một trong những học bổng toàn phần danh giá nhất ở Châu Âu.  Đây là học bổng tài năng (merit-based scholarship). Điều này có nghĩa học bổng Erasmus Mundus sẽ được trao cho các sinh viên có thành tích xuất sắc và phù hợp với chương trình nhất (cho điểm hồ sơ và xét từ cao xuống thấp). Khác so với dạng học bổng chính phủ/ngoại giao/trợ giúp phát triển, dạng học bổng tài năng nói chung và Erasmus Mundus nói riêng chấp nhận hồ sơ của ứng viên từ bất kỳ ngành nào, từ bất kỳ nước nàokhông phân biệt nơi làm việc (tư nhân, nhà nước hay phi chính phủ đều được) và không ràng buộc phải trở về nước sau tốt nghiệp.

Đặc điểm nổi bật của học bổng EM là các sinh viên bắt buộc phải học tại ít nhất là hai nước Châu Âu. Nếu khóa học có sự tham gia của các trường ngoài khối thì sinh viên cũng có thể học từ một đến vài kỳ ở ngoài khối Châu Âu (Phi, Á, Mỹ, Úc) nhưng vẫn phải đảm bảo có ít nhất 2 kỳ tại 2 nước thuộc EU.

Trị giá học bổng

Do là học bổng toàn phần nên toàn bộ học phí, sinh hoạt phí (ăn, ở, giải trí…), bảo hiểm, đi lại của du học sinh sẽ đều được chi trả.

Theo quy định, 75% tổng số suất học bổng phải được trao cho các sinh viên nằm ngoài khối EU!

Mức chi trả khác nhau giữa hai nhóm đối tượng sinh viên:

  • Nhóm A (sinh viên ngoài EU): Học phí + sinh hoạt phí 1000 Eur/tháng + 4000 Eur/năm (hỗ trợ đi lại, visa…) + bảo hiểm (có thể được tính riêng hoặc trừ thẳng vào khoản 4000 tùy vào chương trình).
  • Nhóm B (sinh viên EU hoặc sinh viên ngoài EU nhưng đã ở EU >12 tháng): Học phí + sinh hoạt phí 500 Eur/tháng

Trong các khoản nói trên, trừ học phí và bảo hiểm sẽ được chi trả trực tiếp cho trường, không qua tay sinh viên, các khoản khác sẽ được chuyển vào tài khoản của sinh viên theo đúng định mức. Sinh viên EM có toàn quyền sử dụng và điều chỉnh phù hợp với lối sống cá nhân (ví dụ dùng tiền đi chơi tẹt ga như mình hoặc ki cóp về xây nhà ở Việt Nam như ai đó^^)

Điểm yếu của học bổng EM là không cân nhắc đến vị trí sinh viên theo học để điều chỉnh trị giá học bổng. Như vậy, dù sinh viên theo học ở các đất nước/thành phố đắt đỏ như Na Uy, Thụy Sĩ, Đan Mạch, London, Amsterdam…hay ở các nước Đông/Nam Âu có chi phí rẻ như CH Séc, Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… thì mức tiền sinh viên được nhận vẫn hoàn toàn là như nhau. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh phù hợp từ bản thân sinh viên.

Cấu trúc học bổng

Các trường đại học/viện nghiên cứu hàng đầu trong một lĩnh vực nào đó sẽ liên kết với nhau để thiết kế một khóa học thạc sĩ (course) về một chuyên ngành hẹp mà họ có thế mạnh. Họ sẽ nộp đề cương về khóa học lên EACEA để xin phép tổ chức và xin tiền hoạt động. Việc này thường diễn ra theo chu kỳ 5 năm 1 lần. Như vậy mỗi khóa học thạc sĩ EM sau khi được mở và rót tiền sẽ tuyển sinh tối thiểu trong 5 năm.

Đại diện của các trường/viện nghiên cứu tạo thành một hội đồng (consortia) để quản lý việc xét nhập học và trao học bổng cho khóa học (course). Do đó, ứng viên sẽ nộp hồ sơ đến các hội đồng (consortia) của chương trình (course) mình lựa chọn chứ không nộp cho từng trường riêng lẻ. Việc xét nhập học và xét học bổng sẽ được tiến hành đồng thời.

Số lượng chương trình (course) trong EM rất nhiều, thuộc đủ loại lĩnh vực. Trong năm học gần nhất 2017-2018, có hơn 80 chương trình nằm trong hệ thống EM.

Mỗi chương trình đều có website riêng và là nơi cung cấp các thông tin cụ thể, chính xác nhất về chương trình đó, bao gồm các trường thành viên, yêu cầu nhập học, cách thức nộp hồ sơ, phân chia địa điểm học (mobility scheme). Danh sách đầy đủ của tất cả các chương trình có thể xem tại: https://eacea.ec.europa.eu/erasmus-plus/library/scholarships-catalogue_en

Lưu ý rằng không phải tất cả sinh viên được nhận vào học trong một chương trình EM đều được cấp học bổng EM! Vì mức độ danh tiếng của chương trình và trải nghiệm khác biệt, sinh viên có thể lựa chọn bỏ tiền túi ra học (self-funded student).

Cách thức nộp hồ sơ

Học bổng Erasmus Mundus mở hồ sơ mỗi năm một lần. Mỗi chương trình (course) sẽ có thời hạn mở và đóng khác nhau.

Nói chung, các chương trình có thời gian mở trong khoảng từ T10 đến T12 và đóng trong khoảng từ T12 đến T1.

Một sinh viên được nộp hồ sơ vào tối đa là 3 chương trình mỗi năm. Hồ sơ phần lớn đều có thể nộp trực tuyến (online). Yêu cầu hồ sơ và cách thức nộp cũng khác nhau tùy chương trình.

Hồ sơ nói chung luôn bao gồm bằng, bảng điểm đại học; thư giới thiệu (letter of reference); bài luận (statement of purpose); sơ yếu lý lịch (CV); chứng chỉ ngoại ngữ.

Một số ít chương trình sẽ có yêu cầu phỏng vấn qua Skype/điện thoại sau bước xét hồ sơ. Nếu không, kết quả sẽ được đưa ra chỉ dựa vào hồ sơ mà ứng viên nộp. Do đó việc chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ là cực kỳ quan trọng.

Kết quả sẽ được hội đồng chương trình thông báo, thường là vào tháng 3. Đây cũng là lúc ứng viên được yêu cầu trả lời có nhận học bổng hay không. Sau khi nhận câu trả lời chính thức từ ứng viên, hội đồng chương trình sẽ nộp danh sách lên EACEA để xin phê duyệt (mang tính thủ tục). Thông thường đến tháng 5, ứng viên sẽ nhận được email thông báo chính thức từ EACEA.

Số liệu thống kê

Tin mừng là Việt Nam nằm trong top 20 nước có nhiều sinh viên dành được học bổng EM nhất (năm 2017 đứng thứ 20 luôn).

Cụ thể hơn

  • 2017: Việt Nam có 23 ứng viên đạt học bổng EM (12 nữ, 11 nam) trên tổng số hồ sơ nộp vào là 298 (181 nữ, 117 nam). Tỷ lệ thành công là 7.8%.
  • 2015: Việt Nam có 24 ứng viên đạt học bổng EM (15 nữ, 9 nam) trên tổng số hồ sơ nộp vào là 324 (188 nữ, 136 nam). Tỷ lệ thành công là 7.4%
Tỷ lệ thành công nói trên là khá cao nếu so với mặt bằng chung vào khoảng 5.7%.

Trong top 20 nước có nhiều sinh viên đạt học bổng EM nhất thì một số nước có tỷ lệ chọi cực kỳ cao như Ấn Độ (63 thành công trên 1301 hồ sơ = 4.8%), Indonesia (26 thành công trên 649 hồ sơ = 4%). Ngược lại, một số nước có tỷ lệ chọi thấp/thành công cao hơn như Iran (59/421=14%), Mỹ (42/267=15.7%)

***

LỜI KẾT

Học bổng Erasmus Mundus là một trong những học bổng lớn, danh giá nhưng cũng phức tạp nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng nhờ sự “phức tạp” đó mà lựa chọn của sinh viên là vô cùng phong phú, cơ hội chia đều cho mỗi người và rất rộng mở. Ứng viên là sinh viên vừa tốt nghiệp, ứng viên học trái ngành, ứng viên đã có bằng thạc sĩ trước đó… đều có cơ hội tùy vào chương trình thạc sĩ họ chọn có phù hợp hay không. Thành công sẽ đến với những người có cố gắng và biết theo đuổi!

EACEA có chuẩn bị một cuốn sách hướng dẫn về chương trình mà mọi ứng viên nên tham khảo thêm: https://ec.europa.eu/programmes/erasmus-plus/resources/programme-guide_en


There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply