Publications trong hồ sơ xin học bổng – What and How?

(Last Updated On: June 1, 2023)

Publication – một thứ làm đẹp hồ sơ mà chả hiểu sao dạo gần đây trở nên hot 🙂 Vậy pub thực sự là gì? Gồm những loại nào? Có cần thiết không? Và nếu cần thì làm thế nào để có?

OK la, cùng xem nào (xin lỗi, bài viết dùng nhiều từ TA do thuật ngữ khó dịch sang Tiếng Việt)

PUBLICATION LÀ GÌ?

Dịch Anh-Việt, publication là một ấn phẩm/công trình/tài liệu được xuất bản. Cái phần quan trọng nhất là “được xuất bản”. Phần này ảnh hưởng đến giá trị của pub vì được xuất bản bởi nhà xuất bản/tạp chí/hội nghị có uy tín càng cao thì pub càng được đánh giá cao.

CÁC LOẠI PUBLICATION CHÍNH?

Cái này vô thiên lủng! Mỗi ngành một khác. Đừng nghĩ pub chỉ hạn hẹp là một bài báo trên tạp chí có bình duyệt (peer review journal). Theo nghĩa rộng, pub có thể là sách, luận án, bài trình bày, một bản nhạc, một bức vẽ… Tuy nhiên, nhìn nhận theo khía cạnh pub trong nghiên cứu khoa học và để đi xin học bổng thì có thể chia làm 3 dạng chính 1) Sách; 2) Bài báo; 3) Bài trình bày tại hội nghị khoa học (conference paper)

  1. Sách hoặc 1 chương (chapter) trong sách: Cái này khó, thông thường tầm tiến sĩ trở lên mới viết sách cơ
  2. Bài báo được đăng trên các tạp chí có bình duyệt (peer-review journal). Cái này lại có thể chia làm vô vàn dạng nhỏ khác, mà đặc điểm ở mỗi dạng đều ảnh hưởng đến hồ sơ xin học bổng.
  • Tạp chí trong nước vs Tạp chí quốc tế. Dĩ nhiên tạp chí ở Việt Nam thì chẳng ai biết đấy là đâu à không có giá trị lắm trừ 1 điểm là chứng mình việc bạn có chú ý viết báo, “willing to do” thì vẫn hơn là không có gì.
  • Tạp chí không được index vs tạp chí được index. Có rất nhiều tạp chí quốc tế không hề được index hay nói cách khác được công nhận bởi các tổ chức chuyên xếp hạng/đánh giá tạp chí. Nhiều tạp chí không được index cho phép tác giả đóng tiền là được đăng bài. Do đó, pub ở các tạp chí “đểu” này không có giá trị
  • Vấn đề IF (impact factor) của tạp chí. Hiểu nôm na, IF là 1 hệ số đánh giá mức độ ảnh hưởng của các bài báo trong 1 tạp chí. IF càng cao càng tốt, chứng tỏ tạp chí uy tín và có danh tiếng. Ví dụ trong ngành Y, 1 bài đăng trên Lancet bằng cả chục bài ở các tạp chí IF 1.0 ~ 2.0. Các tạp chí được index đa phần đều có IF. Muốn tìm hiểu thì cách nhanh và dễ nhất là hỏi anh Google, chỉ cần search tên tạp chi + impact factor là ra ngay. Nếu không có IF –> tạp chi mới hoặc tạp chí không được index, tạp chí ma…
Kết quả tìm kiếm IF của tạp chí Lancet trên Google
  • Vị trí đứng tên của tác giả: Việc cho nhiều tên vào 1 bài báo, trong đó có những cái tên chỉ là xuất ngoại giao (chẳng làm gì) là chuyện thường xuyên xảy ra. Do đó mà người ta chỉ chú ý đến người đứng tên đầu (first author), tác giả chịu trách nhiệm khi cần liên hệ (corresponding author) và người đứng cuối (last author – thường là supervisor, most senior professor, người kiếm fund về cho dự án…). Đứng tên đầu (first author) ~ đứng tên cuối (last author) > corresponding author > các vị trí khác: mặc định người đứng tên đầu là người đóng góp lớn nhất cho bài báo, nôm na là viết phần lớn –> dĩ nhiên có sức nặng nhất.
1 bài báo trên Lancet với “danh sách” tác giả dài cả thước 🙂

3. Bài trình bày tại hội nghị khoa học (conference paper). Cũng như tạp chí, hội nghị khoa học cũng có rất nhiều loại.

  • Trong nước < quốc tế. Nước yếu < nước mạnh (ví dụ: national conference của VN thì không thể sánh nổi với national conference của Mỹ).
  • Được index vs không được index: cũng giống như tạp chí thôi. Thông thường các hội thảo/hội nghị thường niên đều được index. Cách dễ nhận biết nhất là nhìn vô tên. Hội thảo/hội nghị có số lần tổ chức càng nhiều, càng lâu thì thường là to, có tiếng và danh giá. Ví dụ, về lĩnh vực lao, bệnh phổi có hội nghị thường niên Union World Conference on Lung Health. Năm ngoái khi mình đi dự ở Anh thì là lần thứ 47 hội nghị này được tổ chức!
  • Oral > poster presentation (oral là bạn đứng thuyết trình trong các seminar nhỏ, sử dụng slide. Poster là bạn trình bày toàn bộ các vấn đề cần báo cáo lên 1 tờ giấy A0. Sau đó đem treo tại hội nghị và đứng cạnh poster để giải thích, trả lời câu hỏi nếu có).

PUB có cần thiết không?

Có và không, vì còn tùy ngành học, loại học bổng, chương trình học, định hướng học… Cho nên không phải cứ cố sống cố chết kiếm pub bằng được. Đừng tin vô mấy cái lời khuyên kiểu “không có pub cơ hội học bổng thấp hoặc không có”. Vơ đũa cả nắm thế là sai lè đó.

  • Cần nếu bạn theo định hướng nghiên cứu (Master by research thay vì master by coursework).
  • Cần nếu bạn học các ngành khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, thiên văn, phân tử (vốn đã thiên về nghiên cứu)
  • Cần nếu ngành định học được liệt vô “khoa học” (health sciences, social sciences…) thay vì ứng dụng (logistic, business etc).
  • Cần nếu học bổng thuộc dạng merit-based: vì đơn giản có pub hồ sơ tự nhiên đẹp hơn. Còn các học bổng có tiêu chí riêng thì nên tập trung vào tiêu chí đó, ví dụ Chevening là về leadership chẳng hạn.

LÀM SAO ĐỂ CÓ PUB?

    1. Bỏ qua sách vì quá khó 🙂

    2. Đối với bài báo khoa học, nếu ở bậc cử nhân, nhắm đến first author và international journal hơi khó. Nên tham gia các nhóm nghiên cứu khoa học tại trường của thày cô -> có thể có pub trên international journal. Nghiên cứu khoa học tại trường, đề tài sinh viên -> nhắm đến first author tại báo trong nước.

    3. Bài trình bày tại hội nghị khoa học: Khả thi nhất và có vẻ “dễ” nhất nếu so với 2 cái trên

    • Mỗi ngành mỗi khác và ở trong ngành nào mới biết các hội nghị/hội thảo của ngành đó. Tuy nhiên, có thể tham khảo thêm trên trang ConferenceAlert. Rất nhiều hội nghị được chia theo ngành và nước tổ chức. Có thể tìm kiếm trực tiếp trên trang web hoặc đăng ký để nhận được email cập nhật từ họ.

    Thay vì 1 bài báo 3000-5000 từ, các hội nghị chỉ yêu cầu nộp abtract khoảng 250-300 từ -> giảm thiểu thời gian và công sức chuẩn bị rất nhiều (ít danh giá hơn nhưng theo đuổi cách này hiệu quả hơn).

    • Các bước cơ bản cần làm: 1) Nếu chưa có bài sẵn: tìm hội nghị, xem chủ để của hội nghị đó -> nghĩ ý tưởng, tổng hợp tài liệu -> viết abstract -> nộp. 2) Nếu đã có bài sẵn (từ nghiên cứu đã/đang tham gia): tìm hội nghị phù hợp để nộp bài

    * LƯU Ý: chỉ khi đi dự hội nghị thì mới nhận được certificate of attendance. Còn nếu abstract được chấp thuận nhưng không đi dự (do không có kinh phí) thì chỉ cần ghi vô phần pub trong CV, có thể nộp kèm abstract trong hồ sơ

    Ví dụ cách ghi CV:

    Ngan TT, Tuan NT, Phuong TB. Social Determinants of Overweight and Obesity in Vietnam and Changes in Its Prevalence during 1990-2015. Oral presentation. The 49th Asia-Pacific Academic Consortium for Public Health Conference. Incheon, Korea. 17-19 August, 2017

    Vậy nha, chúc cả nhà tìm được cách đánh bóng hồ sơ xin học bổng của bản thân bằng pub. Nếu nhắm không được thì tham khảo các cách “làm đẹp” khác tại post “các cách đánh bóng hồ sơ”

    Làm thế nào để xin được học bổng đi dự hội nghị khoa học (cơ hội du lịch luôn đó) thì sẽ viết trong post sau nhé. Nhá hàng kinh nghiệm chinh chiến của mình

    • 2012: 15th World Conference on Tobacco or Health, Singapore, 5 days, full scholarship
    • 2015: 16th World Conference on Tobacco or Health, Abu Dhabi, 5 days
    • 2016: Global Health True Leaders, Indonesia, 5 days, platinum scholarship
    • 2016: 47th Union World Conference on Lung Health, Liverpool (UK), 4 days, travel grant
    • 2017: 6th Conference of International Union Against Tuberculosis and Lung Disease, Asia Pacific Region, Tokyo (Japan), 4 days, full scholarship
    • 2017: 49th Asia-Pacific Academic Consortium for Public Health Conference, Incheon (Korea), 3 days
    • 2018: 17th World Conference on Tobacco or Health, Cape Town (South Africa), 5 days, waiting for scholarship result

    There is no shame in falling down
    True shame is to not stand up again!

    Bask

    Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

    Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

    Comments

    comments

    2 thoughts on “Publications trong hồ sơ xin học bổng – What and How?”

    1. Em chào chị Ngân, em cũng đang tìm hiểu về việc làm sao để có pub và list trong CV. Em có tìm một số hội thảo trên trang ConferenceAlert thì thấy họ cho nộp abstract, tuy nhiên em thấy note là abstract thì chỉ cho oral presentation mà không được publish. Vậy trong trường hợp nếu như abstract của mình được chấp thuận, thì mình có thể list trong CV, và đính kèm link bản abstract mà mình tự tạo ạ (theo em hiểu là upload lên gg drive rồi đính vô). Không biết em hiểu vậy có đúng không chị? Em cám ơn chị ạ

      1. Hi em, sẽ có 2 trường hợp, 1 là không được publish full paper, 2 là không có conference proceedings (cũng đồng nghĩa không tính là pub).
        + TH 1 thì là thông thường, đa phần các hội thảo sẽ không có publish full paper. Tuy nhiên 1 số ít thì sẽ mời các abstract xuất sắc viết full paper và nộp cho báo mà hội thảo có liên kết với.
        + TH 2 thì xảy ra ở các hội thảo ma/không chính thống/làm tiền, là các hội thảo thu tiền để làm giàu, có tiền là abstract sẽ được nhận. Nhưng chính vì chất lượng kém nên hội thảo dạng này không được index, ko có conference proceeding được publish trên các báo.

    Leave a Reply