Các dạng học bổng/funding cho PhD

(Last Updated On: March 28, 2024)

PhD thường kéo dài từ 3 đến 5 năm (5-7-10 năm cũng không phải quá hiếm). Đây là một quá trình dài, nhiều chông gai và đương nhiên là tốn kém. May thay, có khá nhiều cách để chu cấp việc làm PhD…

Mình viết bài “Ma trận các dạng học bổng – Cách nhận biết và lựa chọn” cách đây tận 5 năm! (Hổng ngờ chịu duy trì cái blog này lâu thế và cũng hổng ngờ lười viết đến thế ^^). Các dạng học bổng nêu trong bài viết nói trên rất đúng với cấp học cử nhân (bachelor) và thạc sĩ (master) nhưng lại hoàn toàn không đủ cho cấp tiến sĩ (PhD). Tại sao? Có 2 lý do chính yếu:

  1. Các nước có cách cấu trúc việc làm PhD tương đối khác nhau
  2. Học bổng không phải là cách duy nhất để chu cấp việc làm PhD, có kha khá dạng khác

Do vậy, mình viết bài này với mục đích làm rõ các “con đường” kiếm tiền làm PhD 😉

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm trước: Đây hoàn toàn là hiểu biết cá nhân, dựa trên kinh nghiệm học tập tại 3 nước Hà Lan, Đan Mạch, Anh và việc tìm hiểu thêm khi chuẩn bị apply làm PhD. Bài viết rất rộng, không tập trung vào một nước nào cả, vì mình cố gắng cung cấp một cái nhìn toàn cảnh nên thông tin cho mỗi nước là không sâu! Khi bạn đã chọn được nước mình muốn đi thì nên tìm hiểu kỹ hơn về việc làm PhD tại nước đó. Mọi ý kiến đóng góp xây dựng mình rất hoan nghênh và xin tiếp thu, nhất là chia sẻ thực tế về việc làm PhD ở mỗi nước. Rất mong là sau này có thể làm một so sánh sâu về khác biệt khi làm PhD ở các nước khác nhau.

***

PHD STATUS

Đây là một điểm cực kỳ quan trọng và là điểm đầu tiên cần làm rõ, hiểu rõ vì nó liên quan thiết yếu đến vấn đề “tiền đâu ra để làm PhD”!

Tùy thuộc vào nước bạn chọn học, có 2 dạng PhD status cơ bản: EMPLOYEE status và STUDENT status

EMPLOYEE status

PhD cơ bản được coi như một nghề! Người làm PhD được ký hợp đồng nhân sự với trường, có các nghĩa vụ và quyền lợi như một người đi làm bình thường, bao gồm số giờ làm, đóng thuế, nghỉ phép, hưu trí … và đương nhiên “NHẬN LƯƠNG”. Ngoài ra do là “đi làm”, không phải “đi học” nên cũng không có “học phí”. Lương của PhD, rất tiếc, thường vô cùng bèo bọt, (ví dụ ở Hà Lan tầm 1300e cho năm 1, tăng dần lên đến 1700e khi ở năm 4), nhưng nói gì thì nói vẫn đủ để chu cấp việc làm PhD của bạn ^^

Các nước đại diện cho dạng này có Hà Lan, nhóm các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy…)

Việc apply: Các trường sẽ đăng tuyển vị trí PhD dưới dạng job advertisement. Các bạn sẽ nộp hồ sơ “xin việc” 😉 Nếu được nhận thì coi như xong, chuẩn bị nhận lương và làm PhD thui.

Quá trình làm PhD: Vẫn có giáo hướng dẫn như bình thường. Ngoài việc nai lưng ra làm project của riêng bản thân thì do là đi làm nên còn phải nai lưng ra làm trong project mà ban đầu bạn đã đăng tuyển vào. Tùy thuộc vào các yêu cầu của vị trí (theo hợp đồng lao động) thì còn có thể bao gồm cả việc hỗ trợ dạy học hay hỗ trợ hành chính ở khoa.

Tìm hiểu thêm: Các bạn có thể bookmark mục tuyển dụng trong trang web của các trường đang nhắm đến ở mấy nước kể trên. Nếu nhắm vô Hà Lan thì có thể xem tại trang này: https://www.academictransfer.com/en/

STUDENT status

PhD vẫn chỉ là một anh/chị sinh viên quèn đi học 😊 nên vẫn phải đóng học phí. Không có lương lậu gì ở đây hết.

Các nước đại diện cho dạng này có Anh, Úc, Mỹ

Việc apply: Các bạn sẽ nộp hồ sơ xin học cho trường (kể cả khi liên hệ trước và được giáo sư nhận thì cái bước nộp hồ sơ cho trường vẫn là “thủ tục” cần làm). Nếu được nhận thì ok, bắt đầu làm, nhưng lưu ý việc kiếm tiền nộp học phí và bỏ cái ăn vào miệng hoàn toàn là nghĩa vụ của bạn ^^!

Quá trình làm PhD: Có giáo hướng dẫn. Một số nước sẽ yêu cầu lên lớp học trong 1 đến vài năm đầu (Mỹ, Úc) hoặc có thể lao đầu vô làm luôn (Anh chỉ yêu cầu tối thiểu 10 days of training/năm, đi conference/học về word hay networking skills cũng tính là training day hết luôn).

Như vậy, đối với dạng này (STUDENT status), vấn đề “đầu tiên” hay “tiền đâu” trở thành câu hỏi sống còn, đầy trăn trở của sinh viên nghèo. Mình sẽ nói rõ hơn về các “con đường kiếm tiền làm PhD” ở phần tiếp sau.

WAYS TO FUND YOUR PHD (STUDENT status)

Cái nè phức tạp nè. Nếu cử nhân, thạc sĩ có “ma trận học bổng” thì tiến sĩ chắc phải gọi là … cụ nội của ma trận ^_________^ Xin liệt kê mấy loại chính sau khi đã tối giản hết mức.

1/ Học bổng chính phủ/ngoại giao

Hầu như chính phủ nước nào cũng có quỹ dành cho con dân đi học. Việt Nam thì có 911 và 322 nè. Chính phủ nước khác thì có học bổng của Thụy Sĩ (Swiss Government Excellence Scholarship), Ireland (Government of Ireland Postgraduate Scholarship Programme, cái này khác với chương trình IDEAS của IrishAid cho sinh viên Việt Nam bậc thạc sĩ nha), Úc (Australia Awards Scholarships)

Đặc điểm: Tiền từ chính phủ

Mục tiêu: Đào tạo cán bộ nguồn ^^ (nếu là tiền từ chính quốc, ví dụ 911) hoặc ngoại giao (tiền từ chính phủ nước A cho một số nước B, C, D nào đó với số lượng xác định hàng năm)

Điểm mạnh: Cây nhà lá vườn. Các bạn làm nhà nước (bao gồm ở các trường đại học) thì dễ xin. Cho tối đa 4 năm nên sẽ lợi nếu định học ở Anh (vốn bình thường PhD chỉ 3 năm nên các dạng học bổng của Anh chỉ cho 3 năm) thì xin 911 cho 4 năm được 😊

Điểm yếu: Hơi ít tiền (nhưng vẫn đủ nha), có ràng buộc phải quay trở lại công tác tại đơn vị cử đi học (đã cầm tiền rồi thì đừng trốn biệt tăm rồi để chính phủ đi kiện hoài)

Tìm hiểu thêm:
Swiss Government Excellence Scholarship
Government of Ireland Postgraduate Scholarship Programme
Australia Awards Scholarships

2/ Học bổng từ các quỹ học bổng/tổ chức nghiên cứu

Quỹ học bổng thì tiền cũng đa phần là từ chính phủ nhưng nó cũng ít yếu tố chính trị hơn chút nên tách riêng ra. Ví dụ như Erasmus Mundus Joint Doctorates (ngưng từ 2013), MARIE SKŁODOWSKA-CURIE ACTIONS (tiền từ European Union), Wellcome Trust Doctoral Studentships (Anh)…

Đặc điểm: Tiền có thể từ 1 chính phủ hoặc nhiều chính phủ (vd: LM Châu Âu). Lưu ý là thường không dùng từ “scholarship” mà hay dùng “fellowship”, “studentship”, “grant”

Mục tiêu: Phát triển học thuật, đào tạo và thu hút nhân tài (đây là điểm khác biệt cốt yếu với học bổng chính phủ/ngoại giao nha)

Điểm mạnh: Giá trị học bổng ổn/một số thậm chí là cao. Thường không có ràng buộc gì về việc đi hay ở.

Điểm yếu: Cạnh tranh lè lưỡi, sứt đầu mẻ trán 😉

Tìm hiểu thêm:
Wellcome Trust Doctoral Studentships
MARIE SKŁODOWSKA-CURIE ACTIONS
Robert S. McNamara Fellowships Program (WorldBank)

3/ Học bổng từ trường/khoa

Cái này thì vô vàn, mỗi trường một chính sách, nhắm vô đâu thì tìm hiểu ở đó thôi. Nói chung trường nào cũng có, ít thì vài suất, nhiều thì vài chục suất. Các trường giàu có, tiếng tăm thì sẽ có nhiều suất hơn.

Đặc điểm: Tiền của trường/khoa. Thường hay dùng từ “studentship” hoặc “fellowship”

Mục tiêu: Sinh viên tài năng

Điểm mạnh: Giá trị học bổng ổn. Thường không có ràng buộc gì về việc đi hay ở. Mà mày ở thì càng tốt ^^

Điểm yếu: Cạnh tranh lè lưỡi, sứt đầu mẻ trán. Nếu của khoa thì còn đỡ vì ít ra còn cạnh tranh với người cùng ngành. Nếu của trường (mấy cái Chancellor Fellowship) thì cạnh tranh tréo ngành rất là … không biết đâu mà lần. Học bổng này còn hay thòng thêm điều kiện “studentship is renewed every year subject to a satisfactory progress” (trích nguyên văn studentship của mình) –> rất chi là áp lực, sơ sẩy tí là tiền ra cửa sổ liền ☹

4/ Bán thân cho trường ^^ – PhD Assistantships

Cả 3 dạng kể trên là đều nhận tiền mà không phải làm gì, có thể chuyên tâm vô việc nguyên cứu của bản thân. Còn dạng này thì cực hơn vì sẽ phải nai lưng ra làm để đổi lại nhận được vài đồng lương hoặc học bổng trang trải cho chi phí làm PhD (học phí, ăn, ở). Dạng này hay có ở Mỹ, Hàn, Nhật.

Đặc điểm: Đây thực ra là đi làm và được trả lương (có hợp đồng đàng hoàng), không phải “học bổng”. Nguyên tắc là có làm thì có ăn. Có vô vàn hình thức, bao gồm, teaching assistant, assistant lecturer (làm cho trường/khoa, nôm na là trợ giảng, soạn giáo án, chấm bài…), research assistant, graduate assistant (thường là làm trong một dự án nào đó, cáng đáng cả logistics, administrative và research). Vì đây là đi làm, nhận lương, rồi dùng lương để chi trả nên có thể đủ mà cũng có thể không (đa phần là đủ).

Mục tiêu: “cu li” ngoan và giỏi

Điểm mạnh: Nếu lương tốt thì sẽ đủ chi trả việc làm PhD. Có thêm kinh nghiệm làm việc?!

Điểm yếu: Thời gian dành cho nghiên cứu của bản thân ít đi. Áp lực công việc.

Tìm hiểu thêm: Ở Châu Âu thì có thể tìm trên web https://euraxess.ec.europa.eu/jobs/search, bao gồm cả học bổng của tổ chức, trường/khoa hay dự án (đủ cả, rất rất nhiều)

5/ Bán thân cho giáo – Học bổng giáo sư

Phải tách riêng trường và giáo vì khi bán thân cho giáo có ít nhiều nhập nhằng hơn bán thân cho trường (ơ hay, khi bán thân, người mua quan trọng lắm chứ bộ). Đen đủi bán cho giáo ác thì cứ xác định là hộc máu ra mà làm, còn việc của mình và bao giờ được tốt nghiệp thì hồi sau sẽ rõ (hoặc nhiều hồi sau mới rõ). May mắn gặp giáo tốt thì chẳng khác gì nhận học bổng full cả, giáo sẽ chăm lo đủ bề, cấp đủ tiền cho trả học phí, ăn, ở, rồi giao in ít việc thôi, để dành thời gian mà làm dự án của bản thân, nhiều khi cho đi tháp tùng hội thảo hay công tác nữa (trước mình làm trong một dự án có ông giáo Hàn cưng sinh viên khiếp, lần nào sang VN cũng bế theo 2-3 sv, bao ăn, ở, cho đi chơi thoải mái).

Đặc điểm: Giáo thường có dự án A nào đó mà giáo là Principal Investigator (PI) hay nói đơn giản là người nhận toàn bộ tiền và có quyền tiêu tiền 😉 Giáo trích tiền của dự án ra để thuê mấy đứa PhD vô làm nghiên cứu và “tiện thể” lấy cái bằng PhD.

Mục tiêu: Học trò cưng (giáo tốt) hoặc nô lệ chất lượng cao mà giá rẻ (giáo ác)

Điểm mạnh: Có thể dồi dào tiền. Nếu gặp trúng giáo tốt và chiếm được cảm tình của giáo thì con đường sự nghiệp khá rộng mở

Điểm yếu: Có thể vừa nghèo và vừa khổ. Nếu trúng giáo ác thì làm mãi không biết ngày được tốt nghiệp, như kiểu vai chính phim “12 years of slave” ý ☹

6/ Khác

Có rất nhiều cách khác, bao gồm: tiết kiệm rồi đi học tự chi trả toàn phần (tốn lắm à nha), vừa đi làm vừa chiến PhD (làm part-time ở ngoài ý, đa phần là chỉ để trang trải thêm thôi, không thể đủ được), đi vay (cái này các bạn nước ngoài hay làm nè vì họ có student loan chứ người Việt mình hổng có), crowdfunding (đăng ý tưởng làm PhD và kể lể sự tình nghèo khó rồi đợi các nhà hảo tâm tài trợ)

***

Kết bài, lại tuyên bố miễn trừ trách nhiệm tiếp (khổ, vì mình không có nhu cầu xây nhà nên phải rào trước đón sau ^^): Đây là tóm lược các dạng funding cho việc làm PhD. Việc làm thế nào để xin được mỗi dạng này lại là HOÀN TOÀN KHÁC. Cái này viết sau nhé!

Hope it helps!


There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết

Comments

comments

Leave a Reply