Quyết định về hay ở sau khi đi du học luôn là đề tài bàn cãi của không chỉ những người trong cuộc mà còn của ti tỉ người ngoài cuộc, đặc biệt là các nhà báo. Tạm dẹp sang một bên rằng bên nào đúng bên nào sai, nếu bạn đã quyết định muốn ở lại, dù là để lấy thêm kinh nghiệm làm việc, kéo dài thời gian trải nghiệm hay định cư lâu dài thì việc chuẩn bị để đạt được những mục tiêu nói trên là vô cùng quan trọng.
***
Mình nhận học bổng Erasmus Mundus để theo học khóa thạc sĩ về Y tế quốc tế (International Health) tại Học viện Nhiệt đới Hoàng gia Hà Lan (Royal Tropical Institute – KIT) và Đại học Copenhagen, Đan Mạch (University of Copenhagen). Sau khi tốt nghiệp tại Đan Mạch, mình quay lại trường cũ ở Hà Lan để làm việc (trợ giảng). Kinh nghiệm chia sẻ do đó sẽ chỉ bó hẹp trong lĩnh vực học và các nước liên quan. Mình chỉ làm ở Hà Lan 10 tháng thì bỏ về nước vì một vài lý do cá nhân.
Có 2 loại visa/permit chính cần tìm hiểu là
- Loại visa gia hạn hoặc visa đặc biệt dành cho sinh viên để có thêm thời gian tìm việc
- Work permit (phải xin khi loại 1 đã hết hạn hoặc khi đã tìm được việc ổn định)
Visa gia hạn hoặc visa đặc biệt cho sinh viên tìm việc sau tốt nghiệp
Hà Lan (the Netherlands)
Hà Lan không tự động gia hạn visa cho sinh viên sau tốt nghiệp mà yêu cầu nộp đơn xin một loại visa đặc biệt gọi là Search year visa (Zoekjaar visa).
Tuy nhiên nếu đủ điều kiện thì 100% nộp đơn là được cấp. Phí xin visa là € 171. Một số đối tượng đủ điều kiện xin search year visa gồm có:
- Sinh viên tốt nghiệp tại một trường bất kỳ của Hà Lan
- Sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ hoặc có bằng tiến sĩ từ một trường nằm trong top 200 của thế giới (theo các bảng xếp hạng chính thống có tiếng như QS hay THE)
- Sinh viên tốt nghiệp từ bất kỳ một chương trình Erasmus Mundus nào! (Xem thêm: Giới thiệu chung về học bổng Erasmus Mundus)
Search year visa chỉ cho tối đa 1 năm nhưng trong 1 năm đó, visa này tương đương work permit luôn.
Tức là trong 1 năm đó nếu tìm được việc thì được quyền làm thoải mái không cần đổi sang loại visa khác! Khi mình làm việc tại Học viện Nhiệt đới Hoàng gia Hà Lan là mình xin loại visa này.
Sau 1 năm dùng search year visa, bạn bắt buộc phải xin sang work permit/visa. Tuy nhiên có ưu đãi là mức lương tối thiểu theo quy định để được cấp work permit cho người đã từng có search year visa sẽ thấp hơn những người không có search year visa mà xin thẳng work permit/visa. Ưu đãi là khá lớn. Ví dụ năm 2017, yêu cầu lương tối thiểu để xin work permit ở Hà Lan cho người dưới 30 tuổi là € 3,170 / tháng (trước thuế). Đối với người có search year visa, yêu cầu này giảm còn € 2,272!
Thông tin chi tiết về Search year visa có thể xem tại trang web của Sở di trú Hà Lan (IND): https://ind.nl/en/work/Pages/Looking-for-a-job-after-study-promotion-or-research.aspx
Đan Mạch
Bất kỳ sinh viên nào theo học tại Đan Mạch sẽ được nhận 6 tháng gia hạn visa miễn phí và tự động.
Ví dụ, bạn tốt nghiệp tháng 9/2019 thì residence permit khi được cấp họ sẽ cho đến tháng 3/2020. Nếu họ có trót “quên” thì lên Sở di trú đòi 🙂 Họ sẽ nhận sai và làm cho bạn một cái thẻ residence permit mới (Đây là thực tế trường hợp “đau thương” của mình khi bị Đan Mạch “quên” 2 lần liền. Lần 1 là quên cấp RP do lúc đó mình đang có RP của Hà Lan rồi nên vẫn vào ĐM được. Lần 2 là khi cấp RP thì quên không cho thêm 6 tháng).
Work permit “highly skilled (educated) migrant”
Tuy bản chất tất cả các nước đều muốn và PHẢI (vì lý do chính trị) bảo hộ lao động trong nước, họ đều hiểu thu hút nhân tài là vấn đề xương máu và có chế tài riêng để thu hút người tài. Tên gọi ở mỗi nước có thể khác nhau đôi chút nhưng đại để là “highly skilled (educated) migrant”.
Ngoài ra thì các nước Châu Âu có 1 loại thẻ lưu trú đặc biệt gọi là European Blue Card dành riêng cho nhân tài đỉnh cao ^^ giúp bạn có đặc quyền như công dân EU, có thể di chuyển làm việc giữa các nước ở EU thoải mái mà không cần xin thêm permit của nước sở tại. Ví dụ bạn được Hà Lan cấp EU blue card (chứ không phải work permit của Hà Lan, chỉ có giá trị làm ở Hà Lan nhé) thì sau này bạn có thể bỏ sang Bỉ, Đức, Áo… làm việc mà không cần xin work permit của các nước đó nữa!
Lưu ý: Còn rất nhiều loại work permit khác, cho lao động phổ thông, cho start-up, cho người tự kinh doanh, người làm au pair… nhưng xin phép không bàn luận ở đây do mình hoàn toàn không nắm được.
Dù sao thì để xin được 2 loại work permit “highly skilled (educated) migrant” hay “EU Blue card” nói trên sẽ đều cần 2 điều kiện tiên quyết:
- Xin được việc ở các công ty/tổ chức được quyền tuyển lao động nước ngoài và có thể đứng ra bảo hộ việc xin work permit/visa cho nhân viên.
- Đạt được mức lương tối thiểu theo yêu cầu
Ví dụ cụ thể về mức lương tối thiểu được yêu cầu bởi chính phủ Hà Lan
Loại permit | Mức lương tối thiểu yêu cầu – 2019* |
---|---|
Highly skilled migrants, ≥ 30 tuổi | € 4,500 gross / tháng |
Highly skilled migrants, <30 tuổi | € 3,299 gross / tháng |
Highly skilled migrants, người có search year visa | € 2,364 gross / tháng |
European Blue Card | € 5,272 gross / tháng |
* Các định mức này tăng gần như hàng năm do chủ nghĩa dân tộc và yêu cầu bảo hộ lao động trong nước ngày càng tăng cao. Đơn cử như hồi 2014 khi mình đang làm ở Hà Lan, mức lương tối thiểu yêu cầu để xin work permit “Highly skilled migrants” cho người có search year visa còn chưa đến € 2,000 /tháng. Nói chung là ngày càng khó khăn.
Hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ quốc tế (international non-government organizations hay INGO) đều có lợi thế trong việc xin work permit cho nhân viên do thường nằm trong danh sách ưu tiên được tuyển lao động nước ngoài của chính phủ và mức lương cũng khá. Trường KIT nơi mình làm nằm trong danh sách ưu tiên đặc biệt của chính phủ Hà Lan, tức là không những được tuyển người nước ngoài làm việc mà thời gian xử lý và xét duyệt hồ sơ xin work permit cho nhân viên của KIT còn được ưu tiên rút ngắn. Mức lương trợ giảng quèn của mình với thời lượng làm việc chỉ 4 ngày 1 tuần đã là € 2,400 gross/tháng + ưu đãi cho người có search year visa thì mình thừa đủ tiêu chuẩn để xin work permit vào thời điểm đó (2014).
Thông tin chi tiết về các loại work permit/visa của Đan Mạch có thể xem trên trang web của Sở di trú: https://www.nyidanmark.dk/en-GB/You-want-to-apply/Work
Xin việc
Nguồn tìm việc có thể qua các kênh chính là trường đang theo học (hội sinh viên, thày/cô), bạn bè, các website đăng tải việc làm của bản địa. Trong đó nguồn tốt nhất là từ phía trường đang theo học, nhất là nếu trong quá trình học bạn có kết quả tốt (không cần phải nổi bật hay đứng nhất lớp, chỉ cần không ở top cuối). Công việc của mình cũng đến từ nguồn này khi trường từng học ở Hà Lan đăng tuyển và có ưu tiên cho alumni.
Sau đây là một số trang mà mình đã từng dùng để tìm việc (với đặc điểm là thiên về nghiên cứu, trong lĩnh vực y tế công cộng và phát triển, tại Hà Lan và Đan Mạch)
- https://www.workindenmark.dk/ (job tại Đan Mạch)
- https://www.academictransfer.com/en/ (job về nghiên cứu tại Hà Lan và nhiều nước Châu Âu)
- https://euraxess.ec.europa.eu/jobs/search (job về nghiên cứu trên toàn Châu Âu)
- https://www.bond.org.uk/jobs (job in international development)
***
Lời kết
Xin việc tại Châu Âu tuy khó (và ngày càng khó hơn) nhưng không có nghĩa là không thể. Thị trường lao động luôn cần người tài hoặc đơn giản là người phù hợp. Nước nào cũng có diện visa riêng cho các đối tượng lao động có trình độ học vấn hoặc chuyên môn tay nghề cao (visa scheme for high skilled/high educated immigrants). Do đó, các bạn cứ mạnh dạn tìm kiếm, nộp hồ sơ và thử vận may của bản thân!
—
There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!
Bask
Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.
Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.
Em chào chị ạ. Chị ơi em muốn hỏi là chỉ cần là sinh viên của chương trình Erasmus Mundus, dù ko học bất kì trường nào ở Hà Lan, sau khi ra trường vẫn xin đc search year visa ở đây trước khi xin đc việc ở đây ạ? Tại e ko học ở Hà Lan nhưng rất muốn đến đây làm việc sau khi tốt nghiệp. Em cảm ơn chị nhiều ạ.
Hi Thanh,
Đúng rồi đó em, chỉ cần là sv EM hoặc trường e học nằm trong top 200 của thế giới là có thể xin search year visa của Hà Lan. Trong 1 năm hạn visa đó e có thể tự do tìm và làm việc mà ko cần làm thêm thủ tục gì khác.
Em vào link của Sở cư trú HL (IND) đã cung cấp trong bài viết để download các giấy tờ cần để apply.
Dạ vâng ạ. Em cảm ơn chị rất nhiều ạ 😀 e hi vọng đc đọc thêm nhiều chia sẻ hơn nữa của chị trên blog này ạ e cũng thấy may mắn vì đã từng gặp chị ở ngoài và nghe chị chia sẻ cách đây một năm, mãi hôm em hỏi em mới biết chị có blog trên này ạ 1
Ô zậy hả, vậy là có duyên rồi 🙂 Thank em ^^