Đường biên giới hình zig zag, chạy xuyên qua nhà dân, xuyên qua hàng quán? Lãnh thổ của một nước nằm trọn vẹn trong phần lãnh thổ của một nước khác? Chỉ 5 phút đi lại trong thị trấn và bạn đã bước qua đường biên giới của 2 nước khoảng… 10 lần? Nghe như chuyện đùa nhỉ… nhưng có thật nhé!
Vậy tất cả những điều “quái lạ” trên xảy ra ở đâu? Câu trả lời là Baarle-Nassau – một thị trấn nằm ở phía Nam của Hà Lan, giáp với Bỉ. Baarle Nassau được “phong” cho danh hiệu Thị trấn có đường biên giới phức tạp nhất thế giới (“The most complicated border town in the world”).
Để bắt đầu, bạn nhìn vô hình ảnh từ Google Map dưới đây nhé
Phần đường kẻ liền màu đỏ đậm là đường biên giới “bình thường” giữa Hà Lan và Bỉ. Phần nằm trong đường kẻ liền màu đỏ nhạt và được bôi màu hồng là thị trấn Baarle Nassau. Các mảnh nhỏ rải rác nằm trong phần ô tròn màu xanh thuôc về thị trấn Baarle Hertog của Bỉ!!! Nếu thị trấn Bỉ này là một vùng lãnh thổ liền mạch, nằm trọn trong Hà Lan thì cũng thường thôi 🙂 Có thể kể ngay ra một số ví dụ khác như Vatican nằm trọn trong thành Rome, Lesotho nằm trọn trong lãnh thổ của Nam Phi… Tuy nhiên, có 2 điều đặc biệt ở đây
- Có 22 mảnh lãnh thổ nhỏ của Baarle Hertog (thuộc Bỉ) nằm rải rác trong đất của Baarle Nassau (thuộc Hà Lan). Phần lãnh thổ chính của thị trấn Baarle Hertog nằm tử tế trong đất Bỉ nhá. 22 mảnh nhỏ kể trên như kiểu con rơi vậy keke
- Để cho thêm phần xoắn não, có 8 mảnh lãnh thổ nhỏ của Baarle Nassau (thuộc Hà Lan) nằm trong 3 mảnh của Baarle Hertog (thuộc Bỉ)!
Lol, chắc đọc đến đây, chả mấy ai mường tượng ra được vấn đề 🙂 Xem tiếp hình dưới để hiểu rõ hơn nhé
Trong hình trên, toàn bộ màu vàng nhạt là lãnh thổ Hà Lan. Màu vàng đậm là lãnh thổ Bỉ. Như bạn thấy, vô số mảnh lãnh thổ Bỉ nằm lọt thỏm trong đất Hà Lan và vài mảnh này lại chứa cả lãnh thổ Hà Lan lol. Ví dụ H1 thuộc Bỉ, bị bao quanh hoàn toàn bằng đất Hà Lan nhưng trong lòng nó lại có 6 mảnh đất Hà Lan (từ N1 đến N6)!!! Đó chính là lý do mà chỉ cần 5 phút đi loanh quanh ở H1, bạn có thể đã đi qua biên giới 2 nước Bỉ – Hà Lan tầm 10 lần ^___________^ COOL?
Nhưng làm thế nào để nhận biết là bạn đang ở đất Hà Lan hay đất Bỉ khi mà các nước Châu Âu theo Hiệp định Schengen đã xóa bỏ việc kiểm soát biên giới? Đừng lo, chính quyền 2 nước rất dễ thương và lo nghĩ cho đầu óc của dân du lịch (cứ cho là vậy đi) nên đã đánh dấu đường biên giới bằng đá lát trắng hình chữ thập rất rõ trên mặt đường.
Chính sách của 2 nước có khác biệt nên người dân được hưởng lợi nho nhỏ từ đường biên giới loằng ngoằng ở thị trấn này. Ví dụ Hà Lan quy định 18 tuổi mới được uống bia trong khi Bỉ quy định là 16 tuổi. Tưởng tượng đường biên giới chạy xuyên qua 1 quán bar, một em teen 16 tuổi nếu bị từ chối phục vụ trên đất Hà Lan chỉ việc nhích người qua phía bên kia của đường biên giới để đứng trên đất Bỉ và thưởng thức bia bình thường ^^ Tiện chưa 🙂
Thật ra thì từ thời chưa có Hiệp định Schengen, việc kiểm soát biên giới đã không tồn tại tại Baarle Nassau vì …quản lý kiểu gì?
Nếu cứ mỗi lần mình bước qua biên giới mà đòi đóng dấu vô hộ chiếu của mình thì sau 1 ngày chơi ở đây, hộ chiếu khéo hết trang và phải thay một cuốn mới ^________^
Nếu bạn nào hỏi cái đống hỗn độn này chui ở đâu ra? Just HOW? thì câu trả lời là từ cái thời trung cổ, khi mà 2 nước Hà Lan và Bỉ vẫn đang là một nước. Khi mà lãnh thổ khu vực này thuộc về hai gia đình quý tộc khác nhau (Duke of Brabant và medieval House of Nassau). Rồi các ông ý đổi chác, chiếm đất của nhau. Tai hại thay khi 2 nước tách ra vào năm 1831, 1 ông theo Bỉ còn ông kia theo Hà Lan. Tuyệt. Kết quả là bạn có một thị trấn với đường biên giới xoắn não để vui chơi và tham quan 🙂
***
Cách di chuyển từ Hà Lan
Thị trấn này nằm hơi xa. Mình ở Hà Lan + rảnh rỗi thì chơi cho vui còn nếu khách du lịch từ xa đến chắc không mất công xuống đây chơi làm gì. Tuy nhiên nếu bạn thích sự mới lạ, thích trải nghiệm độc đáo và dư chút thời gian, bạn có thể ghé đây chơi!
Đi từ Hà Lan: Đi tàu hỏa tới thành phố Breda. Tại ga trung tâm của Breda bắt bus Arriva số 132 đến Baarle-Nassau (bến Willem Alexanderstraat). Chi phí nếu không không sử dụng các loại thẻ/pass ~ 25e/chiều, 50e/khứ hồi. Nếu bạn mua vé tàu ngày daagkaart hoặc vé nhóm thì chi phí khứ hồi còn khoảng 20-30e. Xem thêm về hệ thống tàu hỏa ở Hà Lan tại post “Hệ thống tàu hỏa đắt đỏ tại Hà Lan và cách khắc phục”. Từ Amsterdam mất khoảng 2 tiếng để đến được Baarle-Nassau (tương đương thời gian đi đến Giethoorn ý mà).
Bạn có thể xem hướng dẫn phương tiện di chuyển và giờ bắt xe/tàu cụ thể từ chỗ bạn ở đến Baarle-Nassau trên web 9292.nl/en
Đi từ Bỉ: Mình ở Hà Lan nên chưa có thử cách này nhé. Về cơ bản, cách dễ nhất cũng vẫn như trên, bắt tàu hỏa đến Breda rồi chuyển sang bus. Từ Brussels mất khoảng 3 tiếng di chuyển. Từ Antwerp thì khoảng 2 tiếng.
Vậy nhá, chúc bạn có một đi chơi vui, độc và lạ!
HAPPY NEW YEAR 2019!
—
Have fun when roll around
Bask
Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.
Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.