Chỉ riêng bay nội địa Việt Nam với Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet mà các bạn ưa du lịch đã bù đầu căn + săn vé rẻ thì hãy tưởng tượng khối Schengen với gần 30 chục nước thì có bao nhiêu hãng máy bay –> việc tìm vé rẻ, chọn hãng tốt, chọn đường bay quả là … rồ cả người 🙂
***
Sau 1 khoảng thời gian lăn qua lộn lại kha khá ở Châu Âu, mình rút ra vài kinh nghiệm … play around với các bạn hàng không, từ hãng giá rẻ đến hãng chính quy. Hy vọng giúp được các bạn đam mê xê dịch.
P/s: Đây không phải kiểu tip chung chung ngắn gọn, được dịch đầy trên mạng mà là kinh nghiệm, ví dụ thực tế khi di chuyển của mình nên hơi bị dài, các bạn chịu khó đọc vậy:)
TIP 1: Lợi dụng chức năng Inspire me của Easy Jet
Chức năng này giúp bạn lựa chọn đường bay, điểm đến đầu tiên. Ví dụ thế này mình muốn đi Thụy Sĩ, Bắc Pháp và Áo từ Amsterdam. Các điểm này cạnh nhau, nếu đến 1 điểm rồi đi bus, train sang điểm khác ok. Vấn đề là nên bay đến đâu để bắt đầu hành trình?
Inspire me của Easy Jet cho phép bạn chọn sân bay xuất phát (Amsterdam chẳng hạn), bản đồ tương tác sau đó sẽ hiện ra tất cả các đường bay của hãng từ sân bay đó + giá vé ước tính đi kèm! Cool? Quá cool luôn. Bạn chỉ việc chọn cái điểm nào có giá rẻ nhất làm điểm bắt đầu.
TIP 2: Tìm hãng mạnh ở khu vực/nước định bay đến/đi
Các hãng đều chia địa phận hoạt động và cố tránh nhau ra, chứ không chơi kiểu chéo cẳng ngỗng, chồng chéo lên nhau đâu. Do đó mà bay đến hay đi từ khu vực/nước nào thì nên tìm hãng mạnh ở khu vực/nước đó. Sau đây là các hãng mình biết:
Khu vực/nước | Tên hãng | Nhận xét |
---|---|---|
Bắc Âu/ Scandinavi | SAS và Norwegian | Norwegian là hãng giá rẻ, SAS có đắt hơn nhưng nhiều lúc có những chặng chấp nhận được. Chất lượng 2 thằng này cực tốt. Đặc biệt Norwegian mang tiếng hãng giá rẻ nhưng ko có chậm giờ gì cả, bay chuẩn, service ngon, nhân viên lịch sự. Giá thì công nhận có đắt hơn Ryanair và Easyjet nhưng cũng chả đến nỗi. |
Đông Âu | WizzAir | Hãng này lởm phát ngát, delay vô tội vạ, thậm chí cancel luôn. Service tệ, máy bay lởm. Ưu điểm duy nhất là mạng bay ở Đông Âu cực rộng, toàn bay đến các chỗ hiểm mà chả ma nào bay >: |
Nam Âu | Vuelling (TBN) TAPS (BĐN) | 2 bạn này tạm ok. Không có gì đặc biệt mấy để mà kể. |
Đức | German Wings và Air Berlin | Chỉ các chuyến dính đến Đức thì mới có vé rẻ thui. Còn ví dụ bay từ Ams sang Zurich kể cả khi 2 thằng trên có chuyến thì vẫn đắt. |
Hà Lan | Transavia | Xanh như quả chanh (ý là cái màu đại diện của hãng này). Nhiều chuyến từ HL (dĩ nhiên) với giá rẻ |
Thổ | Pegasus | Bạn này mà bay nội địa Thổ thì rẻ kinh hồn, kiểu 10e/chuyến ý. Bay từ các nước ở EU sang Thổ cũng có giá khá mềm so với Turkish Air. |
Chỗ nào cũng chiến | Ryanair và EasyJet | 2 ông giá rẻ nổi tiếng nhất EU! Chất lượng thì EasyJet hơn, ít delay, nhân viên không quá khó tính đến mức đi đo kích cỡ từng cái vali một 😀 Ồ size vali của EasyJet cũng to hơn của Ryanair 1 chút xíu nữa. Một chút xíu đó vẫn cực lợi hại, nhất là với các bạn nữ, thích mang nhiều đồ keke |
TIP 3: Sử dụng các trang chuyên search vé máy bay
Đây là cách tốt để mường tượng mức giá và các hãng hàng không bay lộ trình mà bạn định đi. 2 trang mình hay dùng là skyscanner.com và momondo.com. Về khả năng search thì như nhau, bạn Momondo khá hơn 1 chút ở hệ thống cho điểm. Bạn có thể chọn Quickest (bay thẳng nhưng giá có thể cao), Cheapest (giá rẻ nhất nhưng có thể bay vòng vèo, sân bay ở xa lắc thành phố) và Best (cân bằng giữa quickest và cheapest). Nhớ chọn “include nearby airports” để tăng thêm độ bao phủ của các tìm kiếm vì các hãng giá rẻ rất hay bay đến sân bay rìa rìa thành phố hoặc thậm chí ở thành phố khác gần đó.
Lưu ý: skyscanner và momondo là search engine và chỉ dùng để search, ko dùng để mua vé.
Khi bạn nhấn mua, bạn sẽ bị chuyển qua Agency abc nào đó, agency nào thì phụ thuộc cái vé bạn mua. Về chuyện có nên mua qua agency không thì bàn mãi nói mãi rồi, nhanh cho nó vuông là “không nên”. Lý do (to name a few): vé giả, nhiều phí ẩn mà đến lúc ra sân bay mới ngớ ra, nhỡ có muốn add on tiện tích gì cũng khó, việc sửa chữa booking vô cùng lằng nhằng nếu sai tên, thiếu tên đệm…, cancel = mất tiền dù vé được quyền cancel.
TIP 4: Tự nối chuyến tại các hub của hãng hàng không
Trong trường hợp hãng không có đường bay thẳng đến nơi cần đến hoặc đường bay thẳng có giá quá đắt, nên tìm cách bay đến hub để nối chuyến. Lấy EasyJet làm ví dụ, 1 trong những hub chính của hãng này ở Châu Âu là tại Basel (Thụy Sĩ), từ hub này có đường bay đến hầu khắp mọi nơi của EU! Thế nên nếu bạn hậm hực EasyJet ko có đường bay từ thành phố của bạn đến điểm A chẳng hạn –> check vé bay đến Basel, 90% từ Basel sẽ có vé bay tiếp đến điểm A đó.
Ví dụ cụ thể: Khi mình ở Copenhagen, các đường bay của EasyJet rất hạn chế. Mình muốn đi Bồ Đào Nha chơi, Easyjet ko bay Copenhagen – Lisbon, vé của SAS thì đắt quá –> mình chuyển sang bay Copenhagen – Basel – Lisbon. Vẫn rẻ hơn bay thẳng và nhân tiện mình còn chơi luôn ở Thụy Sĩ 😉 (ham chơi vô độ mà).
Amsterdam cũng là hub của Easyjet nhé. Copenhagen là hub của SAS và Norwegian. Malmo (Thụy Điển) là hub của WizzAir và Ryanair… Muốn biết hub của 1 hãng ở đâu thì Google nha.
TIP 5: Chú ý chương trình dành cho youth của SAS
Hãng SAS dễ thương có hẳn 1 chương trình bán vé cho youth (<26 tuổi). Họ để dành vé giá rẻ cho đối tượng này. Nếu bạn chót già, bạn phải mua vé cực sớm để được vé tốt với SAS. Tuy nhiên, nếu bạn trẻ, may mắn thay, bạn có thể mua được cũng cái vé rẻ đó mà chỉ trước vài tuần 🙂 Và mình đã nói SAS youth ticket được free 23kg hành lý ký gửi chưa nhể???
Giá rẻ, có thể mua cận ngày, đường bay rộng, được 23kg hành lý, được ăn (lol) –> đừng hỏi tại sao mình khóc ròng sau sinh nhật 26 tuổi ^^!
Lưu ý: Nếu có điều kiện mua sớm thì hạng giá rẻ của SAS (SAS Go light) vẫn rẻ hơn SAS youth ticket nhé
Ah, hệ thống booking của bạn SAS còn 1 điểm rất thông mình là bạn có thể book vé đi và về từ 2 thành phố khác nhau cùng 1 lúc! Chỉ cần chọn “Return from another city” là ok. Giá vé lại tính như vé khứ hồi bình thường. Mà đối với hãng chính quy, vé khứ hồi bao giờ cũng rẻ hơn vé đơn. Như KLM, ko có lựa chọn đó nên bạn chỉ có thể mua 2 vé đơn rời –> bị tính đắt cắt cổ.
TIP 6: Các hãng máy bay chính quy… đôi khi cũng RẺ
Thế cho nên đừng có làm ngơ với các hãng dạng này. Ví dụ 1 chính là bạn SAS với chương trình youth ticket.
Ví dụ 2 là bạn KLM, hãng hàng không quốc gia của Hà Lan. Các bạn ý ngày thường có đắt nhưng khi bay khứ hồi (và chỉ khứ hồi thôi ạ) thì lại có vé rẻ “tương đối”. Ưu điểm của các hãng chính quy thì khỏi cần nói nhé, hành lý, ăn uống, đúng giờ, bay thẳng, sân bay trung tâm tới trung tâm. Tuy nhiên, cái này phù hợp nếu chỉ định đi 1 điểm, bay đến rồi bay về. Còn đi nhiều điểm dài ngày, điểm đến và điểm về có khi cách cả nửa cái châu lục EU thì thôi… mời săn vé của các hãng giá rẻ.
TIP 7: Đừng quá tham rẻ …
… mà bay quá lòng vòng hoặc bay đến mấy cái sân bay ở chỗ hẻo lánh chó ăn đá gà ăn sỏi
Đề nghị check thêm post Hệ thống sân bay tại một số thành phố du lịch nổi tiếng ở Châu Âu để định hình cái sân bay bạn định bay đến bằng vé giá rẻ nó nằm ở phương nào. Các bạn hàng không giá rẻ thường vô tình nhưng cố ý gọi 1 cái sân bay nằm ở thành phố khác với cái tên của thành phố du lịch chính. Ví dụ, bạn đểu Ryanair gọi sân bay Beauvais trên website của các bạn ý là Paris–Beauvais. Vâng và xin thưa là thành phố Beauvais nơi cái sân bay tọa lạc cách Paris 85km + chả liên quan quái gì đến Paris (không không nó ko phải là ngoại ô) + giao thông đến Paris vô cùng tệ (chỉ có bus phục vụ riêng bạn Ryanair).
Tip 8 (bonus): Hết sức tuân thủ các quy định về hành lý
Các hãng giá rẻ thường ko cho hành lý ký gửi, nếu cần thì mua thêm nhưng đắt à nha. Hành lý xách tay thì có kích cỡ và cân nặng quy định rõ ràng. Dù là lệch 1 phân hay 1 lạng thì bạn cũng hãy chuẩn bị tiền nộp phạt đi. Mức tiền nộp thì đắt đỏ đến mức bạn mình còn quẳng luôn cái vali của bạn ý đi, mua cái mới nhỏ hơn ở sân bay mà vẫn rẻ hơn là nộp phạt!!! Mình có riêng 1 cái thước chỉ để đo hành lý đó 😀
Cẩm nang mình dùng khi chuẩn bị đóng đồ trước khi lên máy bay của các hãng giá rẻ:
Hãng | Xách tay | Ký gửi | Ghi chú | ||
---|---|---|---|---|---|
kg | Size | kg | Giá | ||
Ryanair | 10 | 55x40x20 | 20 | 35 | plus 1 túi nhỏ 35x20x20 |
EasyJet | unlimited! | 56x45x25 | 20 | 18 | |
Transavia | 10 | 55x40x25 | 20 | 20 | |
Vuelling | 10 | 55x40x20 | 23 | 17 | |
Norwegian | 10 | 55x40x23 | 20 | 12 | plus 1 túi nhỏ hoặc balo đựng lap (25x33x20) |
Pegasus | 8 | 55x40x20 | 20 | Free | 15kg nếu bay nội địa Thổ |
Flybe | 10 (total) | 55x35x20 | plus túi nhỏ hoặc balo đựng lap |
Như vậy trong các hãng kể trên thì EasyJet là cho kích cỡ hành lý xách tay to nhất, trong khi Norwegian là bé nhất. Tuy vậy, mua thêm hành lý của Norwegian khá là rẻ, chỉ 12e cho 20kg 🙂
Lời cuối:
Bay chỉ giải quyết vấn đề khi khoảng cách xa, đối với khoảng cách gần, tàu và bus là tốt nhất! Check thêm 2 post Loanh quanh Châu Âu bằng xe buýt khi hầu bao lép và series Roll around Europe by train để sử dụng bus và train cách hợp lý và kinh tế nhất nha.
—
Have fun when roll around!
Bask