Yêu cầu và tiêu chí đánh giá của học bổng Erasmus Mundus

(Last Updated On: October 9, 2019)

Các cụ có câu “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. “Biết ta” thì là vấn đề chào bán bản thân, xấu che đi, đẹp thì tô vẽ thêm rồi trưng ra. “Biết địch” là nắm rõ yêu cầu và tiêu chí đánh giá của học bổng là gì…

***

Một mùa apply học bổng đầy danh giá và … khoai củ Erasmus Mundus lại đến. Lấy tinh thần trượt … cũng được (càng thêm kinh nghiệm) làm khiên và giáp 🙂 Lấy IELTS, LoR, SoP, CV … làm vũ khí để tiến công, các chiến binh săn học bổng đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến dài kỳ mang tên “xin tiền thiên hạ để đi du (lịch) học” 🙂 Vậy “địch” Erasmus Mundus có yêu cầu và tiêu chí đánh giá như thế nào?

Trước tiên cần biết rằng Erasmus Mundus là dạng học bổng toàn phần “viện trợ không hoàn lại” và là dạng merit-based. Ai không hiểu rõ mình đang nói cái gì thì đọc thêm bài Ma trận các dạng học bổng – cách nhận biết và lựa chọnThông tin chung về học bổng Erasmus Mundus nhé. Một đặc điểm nổi bật nữa thì Erasmus là sáng kiến của LM Châu Âu để thúc đẩy trao đổi học thuật/văn hóa, hợp tác giữa các trường, các nước.

Tóm lại, 1) khả năng học tập, nghiên cứu, làm việc xuất sắc; 2) đủ khả năng sống sót trong môi trường đa ngôn ngữ, văn hóa; và 3) mong muốn được đi học (cháy bỏng + hợp lý + thuyết phục) là các yêu cầu chính của học bổng EM.

1) “Merit-based chung chung quá, người giỏi trượt đầy ra kia kìa”. Uh đúng, cụ thể hơn thì cái “merit” ở đây không chỉ trong học tập đâu nhé, mà là tất cả những cái bạn làm: học tập, nghiên cứu, làm việc.

  • Học tập thì cũng đừng nghĩ chỉ cái bằng giỏi là đủ, họ còn xét đến cái GPA đó cao đến mức nào (nói cách khác là rank của bạn trong khóa/trường), trường bạn học có chất lượng ra sao (từ đó mà xét cái GPA có đáng tin cậy không. Ví dụ như ở VN khối ngành kỹ thuật, xã hội, y học điểm rõ thấp còn khối ngành kinh tế tài chính thì điểm cao vời vợi).
  • Làm việc thì có liên quan giữa ngành học và công việc, số năm kinh nghiệm, vị trí công việc, thành tựu…
  • Nghiên cứu thì có publication, conference và cả đề cương nghiên cứu sơ bộ mà bạn nộp trong hồ sơ nữa (chỉ đối với các khóa học thiên về nghiên cứu).

2) Khả năng sống sót là cái bằng IELTS. Hợp lý? Không nói, không hiểu nổi ngôn ngữ thì học với sống kiểu gì? Khả năng sống sót trong môi trường mới –> các hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc cho các công ty đa quốc gia …

3) Mong muốn đi học (chảy bỏng + hợp lý + thuyết phục) = SoP 😀

“Mỗi khóa EM có các tiêu chí đánh giá khác nhau”. Đúng và Sai. Thời kỳ đầu là thế, nhưng sau này đa phần tuân theo hướng dẫn của The Committee of Admissions and Degrees (CAD). Dĩ nhiên là tuy cái cốt giống nhau nhưng để phù hợp với đặc điểm của mỗi khóa mà các tiêu chí khác có thể được thêm vào.

***

Các thông tin từ phần này trở đi chỉ mang tính THAM KHẢO!  Nếu mình biết chính xác mỗi course EM tuyển thế nào thì mình phải là người của EACEA và lúc đó thì yên tâm mình sẽ không hé răng nửa lời về các tiêu chí (vì đâu có được phép). Anyway thì kinh nghiệm apply + 1 năm làm cho trường (có course EM), mình cũng lượm lặt được vài thông tin.

Đầu tiên hãy nhìn vào các tiêu chí của khóa EuroPubhealth năm 2010. Các tiêu chí và cách chấm điểm này được đăng công khai! Tuy nhiên từ sau năm này họ đã khôn ra và không bao giờ đăng nữa ^^!

Như bạn thấy đấy, tuy có chia hơi khác nhưng vẫn đủ 3 phần ở trên: khả năng học tập/làm việc, khả năng sống sót và mong muốn đi học.

Tiếp theo hãy xem hướng dẫn của CAD, văn bản năm 2005 (ứng với EM thời đầu tiên đó). Checklist của họ có 7 tiêu chí chính (xin lỗi vì nhiều lý do, mình không thể đăng cả cái văn bản hướng dẫn lên đây được

  1. Grades of first degree (điểm tối đa = 5)
  2. English proficiency (điểm tối đa = 2, IELTS 6-7 được 1 điểm, 8-9 thì 2 điểm)
  3. Professional experience (điểm tối đa = 5, cho dựa trên số năm kinh nghiệm, bản chất công việc, nơi làm việc và cảm tính!)
  4. Letter of motivation (5 điểm, trong đó 1 điểm là cảm tính, 2 điểm tối đa cho cấu trúc, ngữ pháp và tính hợp lý của các luận điểm, 2 điểm cho tính thuyết phục/liên quan)
  5. Quality of academic institution (trường thông thường = 0, trường nổi = 1)
  6. Quality of thesis proposal (4 điểm, ko có chỗ cho điểm cảm tính trong nghiên cứu ^^)
  7. Letter of recommendation (2 điểm là tối đã, mỗi LoR ok = 1 điểm)
  8. Điểm cảm tính (tối đa = 2)

“Điểm cảm tính” là cái quái gì và tại sao lại có vấn đề cảm tính ở đây? À thì người chứ có phải máy đâu. Thêm nữa cảm tính của người duyệt hồ sơ được xây dựng từ nhiều năm kinh nghiệm, từ cả nghìn hồ sơ họ đã phải đọc, phải duyệt. Cho nên đừng nghĩ nó không đúng, nó thành “giác quan thứ 6” của họ rồi ^^!

Boss của mình từng nói “Tao ghét việc xét hồ sơ xin học bổng lắm. Tao có cảm giác mình như phải làm thay công việc của Chúa. Làm sao tao chắc được rằng việc không được đi học sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời người này thế nào. Làm sao tao biết được rằng tao đã chọn đúng người nên được đi!”. Người duyệt hồ sơ cũng lắm trăn trở lắm!!!

Đến năm 2012, tiêu chí 5) về chất lượng của trường được gộp chung vào tiêu chí số 1.

Bạn có thể xem profile của mình khi nộp hồ sơ cho học bổng EM và điểm mình tự chấm dựa trên profile đó và thang điểm nói trên tại post “Profile khi apply học bổng thạc sĩ”

***

Ai là người duyệt hồ sơ và quy trình thế nào?

Để giảm thiểu sai số chọn, sẽ có tối thiểu 2 người duyệt hồ sơ của bạn! (3 nếu bạn học chương trình 2 năm). 2 người này không từ cùng 1 trường mà từ 2 trường nằm trong first choice về mobility của bạn. Điểm cuối cùng sẽ được lấy trung bình. Nếu chương trình có thêm phần phỏng vấn thì đại diện của trường host trong first choice về mobility của bạn sẽ là người phỏng vấn. Tiêu chí đánh giá khi phỏng vấn bạn có thể xem thêm ở post Kinh nghiệm và tips trả lời phỏng vấn học bổng du học.

***

Hy vọng các thông tin trên đây giúp ích cho các chiến binh ham học. Chúc cả nhà một mùa apply thành công, “trăm trận trăm thắng” nhé ^_______^

Mình không ngăn cản các site khác đăng lại bài (khuyến khích là đằng khác), nhưng làm ơn ghi rõ nguồn 5continents4oceans.com. Mình chán thấy bài viết của mình trôi lang thang đâu đó với 1 đống thắc mắc, comment của người đọc chẳng bao giờ được trả lời ở dưới bài rồi (vì mình có biết nó được đăng ở đó đâu mà trả lời).


There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!

Bask

Comments

comments

38 thoughts on “Yêu cầu và tiêu chí đánh giá của học bổng Erasmus Mundus”

  1. Hi chị, rất cám ơn bài viết của chị, người rất có tâm huyết.

    Chị cho em hỏi rằng Erasmus có giới hạn 1 applicant được nộp tối đa mấy chương trình ko? vì em đọc trong FAQ ko thấy nói, trên web cũng ko. Em nghe nói là 3, nhưng chẳng thấy Erasmus nói, chắc có thể em đã bị sót, Mong chị có thể trả lời giúp em.

  2. Cảm ơn bạn về chia sẻ hữu ích. Mình vừa tốt nghiệp Luật tháng 7 vừa qua, ranking GPA thứ 4 trong lớp, tuy nhiên thì mình không có nghiên cứu nào lúc học đại học. Mình cũng có thực tập tại 1 công ty luật trong khoảng 1 năm và mình có tham gia tình nguyện cũng như intern tại 1 tổ chức phi chính phủ . Ielts 6,5. mình cũng muốn theo học 1 khóa master về Luật nhưng theo kiểu coursework thì không biết profile của mình như vậy có khả quan không.
    Mong bạn trả lời giúp mình với mình rất cảm ơn bạn!

    1. Đối với ngành Luật thì IELTS 6.5 hơi thấp, họ thường đòi cao hơn (và cũng cần cao hơn). Học coursework thì profile như vậy là ok rồi. Một lưu ý khác nữa là ngành Luật cực kỳ ít học bổng (luật và Y) do họ thường thiếu lòng tin trầm trọng vào hệ thống đào tạo của các nước khác về ngành này 😐

      1. Em định apply Erasmus Mundus năm nay, tìm mỏi mắt thì luật có đúng một cái này: EMLE – European Master in Law and Economics ( Hồi học đại học thì em cũng học luật kinh doanh)
        Nhưng chắc có lẽ không khả quan lắm với profile của em bây giờ nên có lẽ em phải thi lại IELTS rồi năm sau chiến đấu tiếp thôi ạ.
        Giờ em cũng intern cho mảng legal của Big4 thì không biết sang năm profile có khá khẩm hơn không ạ

        1. Có thể. Kinh nghiệm làm việc càng gần với khóa học định apply càng tốt. Điểm IELTS đối với ngành luật cần phải cao lên, nhất là điểm viết ko nên dưới 6. Chúc e may mắn và thành công

  3. Bạn ơi, mình hiện tại đang học y đa khoa năm 3 tại nga, chương trình mình học 6 năm, măc dù học tiếng Nga nhưng mình có kế hoạch tương lai muốn học thạc sĩ ở 1 nước châu âu, sử dụng tiếng anh, bạn có thể tư vấn cho mình hb toàn phần ngành y đa khoa sau đại học không. Mình đã tìm và nhận thấy thường chỉ có hb dành cho người có kinh nghiệm 1 lĩnh vực nào đó và thường là nghiên cứu, chứ k có thiên về bác sĩ lắm. Cảm ơn bạn 🙂

    1. Hi bạn, ở Châu Âu đào tạo bác sĩ bắt buộc bạn phải biết tiếng bản xứ, chưa kể đối với ngành y họ chuộng tự đào tạo (để đảm bảo độ tin tưởng) –> do đó nếu theo đúng ngạch bsĩ đa khoa thì khó. Bạn có thể tìm hb ở Hungary – do họ đang có liên kết dạng dạy y khoa với nước mình.

      Nếu đi về các ngạch khác như y tế công cộng, tâm lý học, dịch tễ học hay clinical research thì nhiều cơ hội hơn!

  4. Chào Ngân, mình đang tìm kiếm thông tin của một số anh/chị/bạn đã từng apply thành công học bổng THE SWEDISH INSTITUTE STUDY SCHOLARSHIPS (SI) của Thụy Điển trên TTVNOL và bác Google chỉ mình tới link này http://ttvnol.com/threads/chia-se-kinh-nghiem-apply-1-so-hoc-bong-toan-phan-cua-chau-au.832450/#post-19564407

    Bạn có đề cập trong này là năm 2013-2014 VN có hơn 10 suất và bạn có danh sách. Ngân có thể share giúp mình danh sách này được không. Hoặc nếu Ngân có contact của mấy bạn đã apply thành công học bổng này thì cho mình xin với

    Cảm ơn Ngân trước nhé 🙂

  5. Pingback: Quotes | Thỏ Xinh Xắn

  6. Chị ơi cho em hỏi năm nay EM Joint Master Degree ko có khoá Public Health nữa phải không ạ, em nhắm khoá này từ năm ngoái, giờ định apply mà chỉ thấy có khoá Public Health in Disaster ở trong list huhu

      1. Ơ chị ơi cho em hỏi ngu là khoá Europubhealth nằm trong scheme/action nào thế ạ?? Em tìm mỏi mắt trong cả action 1 (EMJMD catalogue: https://eacea.ec.europa.eu/erasmus-plus/library/emjmd-catalogue_en) và cả các chương trình của action 2 mà không thấy. Hay em có nhầm lẫn gì đó trong công đoạn tìm kiếm chăng? Em sợ mình tìm sót khoá nào nữa thì phí quá 🙁 May mà có chị bảo, em cám ơn chị nhiều nha. Chị cho em hỏi thêm là chị có biết khoá nào liên quan đến pharmacy hoặc epidemiology ( không phải biomedicine hay các khoá drug innovation ) không ạ?
        Thú thực là em đã đọc cả guideline, và lùng sục nhiều trang web của EM nói riêng và cả của liên minh Châu Âu nữa mà vẫn cảm thấy không hiểu rõ về EM lắm. Đến course mà còn tìm sót thế này, em thấy hoang mang quá 🙁

        1. Mọi khi nó thuộc Action 1. Chị mới check lại thì thấy chương trình học vẫn còn nhưng không cho scholarship nữa 🙁 do đó mà nó ko được liệt kê trong web của EM. Các khóa có cho scholarship đều được liệt kê trong catalogue hết đó, em yên tâm không bị sót đâu.

          Khóa riêng về epidemiology thì ko có đâu, pharmacy hình như cũng không, chỉ có về medicine thui (IMIM – International Master in Innovative Medicine chẳng hạn) 🙁

          EM phức tạp mà, siêu hệ thống học bổng nên nó có hơi khiến người ta điên đầu. Tuy nhiên khi đã chọn được course rồi thì cứ theo yêu cầu cụ thể của course đó, sẽ thấy đỡ rắc rối, phức tạp hơn ^^

          Good luck em!

  7. Hi Ngân, cho mình hỏi thăm là EM có giới hạn độ tuổi của người apply kg a? Mình tìm thông tin này trên trang web của họ mà không thấy. Cám ơn Ngân

    1. Theo như mình biết thì không đâu. Tuy nhiên 1 số chương trình exchange thuộc EM action 2 thì có giới hạn tuổi. Action 1 thì mình chưa biết course nào có vụ yc về tuổi cả 😉

  8. Ha ha, bài viết nhiều thông tin hữu ích cho em gái ” chưa biết mình, chưa rõ người”, nhưng kiểu gì cũng phải đánh cho nó “tan xác pháo” nên đang tích “biết” dần dần đây ạ.
    Cám ơn chị có cái nickname nam tính nhé :D.
    Cách viết khiến e rất muốn đọc tiếp, thề !

  9. Cảm ơn chị vì bài viết, em học thì không tốt cho lắm khoảng 6.5, nói chung cơ hội vẫn còn mặc dù không lớn, rán lấy mấy cái kia bù lại.
    Chị có thông tin nào về trường có ngành facility management hoặc Operation management (oil and gas) không? nếu có chị tư vấn cho em được không.
    Cảm ơn chị.

    1. Sorry em, chị học thiên health and social science nên chỉ biết các trường trong khối ngành này, chứ bên kinh tế và kỹ thuật thì không rõ lắm. Em chịu khó Google vậy 😐

  10. Chị ơi cho em hỏi về LOR của EM với ạ, LOR là mình cung cấp contact của referee rồi người ta sẽ tự liên hệ với referee đó hay là mình xin rồi mình scan và upload lên ạ? 😀

    1. Tùy chương trình em, đa phần bây giờ là em điền địa chỉ mail của referee, hệ thống sẽ gửi 1 đường link để upload LoR đến mail đó để referee trực tiếp upload. Dĩ nhiên em có thể dặn họ forward mail cho em và em tự upload 😀

  11. Chị oi, bài viết của chị có đề cập đến sự liên quan giữa công việc và ngành học, nhưng em ở đại học học 1 ngành khá chung chung, đi thực tập nhiều vị trí, đi làm ở một mảng khác. Em muốn hỏi việc apply Master trái ngành có cơ hội nào không ạ? Theo chị thì mấy năm kinh nghiệm thì ổn để mình apply học bổng ạ?

    Em cảm ơn bài viết của chị nhiều 🙂

    1. Apply trái ngành thông thường không khó. Để xin học bổng khi mà apply trái ngành thì có khó hơn. Em nên lưu ý viết trong SoP lý do hợp tình hợp lý tại sao lại đổi ngành và ngành mới là mong ước cháy bỏng thế nào.

      Dù gì thì sự phù hợp giữa bằng cấp và kinh nghiệm làm việc chỉ là 1 trong nhiều tiêu chí (2-3 points)

      Ko biết em học ngành gì, khối ngành xã hội cần tối thiểu 2 năm kinh nghiệm. Mà đỉểm kinh nghiệm cũng chỉ 1-2.

      Tóm lại là chả ai hoàn hảo 10 phân vẹn 10. Cái này không có thì bù vào cái khác. Làm gì có điểm tối đa và bị trừ vài điểm thì cũng ko có nghĩa là mọi cánh cửa đã đóng lại.

      Good luck!

      1. Chị ơi, em cảm ơn chị nhiều ạ. Em học về kinh tế. Đi thực tập và làm thì dc gần 2 năm ạ. Em sẽ suy nghĩ kĩ hơn và có gì thắc mắc, sẽ hỏi chị tiếp ^^

        Hì, không liên quan lắm, nhưng chữ ký dưới mỗi bài viết và cách trả lời của chị có tính động viên rất nhiều ạ ^^

  12. Thực sự bài viết rất hay và nhiều thông tin hữu ích, cảm ơn chị Bask rất nhiều (thế mà lúc đọc bài của c trên ttvnol cứ nghĩ c là nam cơ đấy, hehe :))

          1. Chị Ngân ơi em mới đang học năm nhất ở ĐH Ktqd nhưng em lại cảm thấy rất chán nản việc học hành dù đây là ngôi trường em yêu thích từ những năm cấp 2 (do em thân với một chị học trường này lúc đó nên thấy thích luôn). Bh khi đã thực sự bước chân vào trường em lại cảm giác không thích học về KT, về Tiền. Định hướng có vẻ đã sai lầm ngay từ đầu nên bh em đang có ý định ôn thi lại vào 1 ngành khác nhưng em không biết rồi khi vào ngành khác em có thích ngành đó thật không.
            Chị à chị có yêu thích ngành học và công việc hiện tại ko ạ?!! Em rất sợ sau này phải hối hận vì khi còn trẻ đã chọn ngành nghề ko đúng sở thích. Trắc nghiệm Mbti hay nghề nghiệp gì cũng chẳng có nhiều tác dụng với em. Em nên định hướng ntn chị giúp em một lời khuyên với!!!

          2. Hi em, đầu tiên phải nói thế này đã “lợi thế số 1 của tuổi trẻ là có đủ thời gian để mắc sai lầm và sửa chữa sai lầm” 🙂 cái cực kỳ xa xỉ với cái tuổi trung niên.

            Nếu em thực sự không thích, em có thể đổi (và nên đổi). Nếu em chỉ tạm thời không thích do năm đầu học đại cương, chưa có gì hay, do môi trường đại học không giống cấp 3 … thì đừng quyết định hấp tấp.

            Chị trước đây cũng đăng ký thi kinh tế 🙂 23.5 trong khi trường lấy 24, thế là mới chuyển sang trường khối B là Y tế công cộng. Phải nói là nghề chọn người ^^, c yêu thích ngành học hiện nay và luôn tự nhủ ko biết ra nông nỗi gì nếu “trót” đỗ kinh tế keke

            Việt Nam mình có cái kiểu nghĩ học là phải theo chiều dọc, đi lên, vd cử nhân –> thạc sĩ –> tiến sĩ. Ở các nước châu âu họ rất thích học ngang! 1 người có thể có 1-2 bằng cử nhân, 2-3 bằng thạc sĩ. Đã học lên cao hẳn, theo chiều dọc thì phải thực sự đam mê, còn nếu vẫn chưa quyết được thì họ cứ học ngang sang 🙂 càng giỏi mà càng có nhiều cơ hội tìm ra “tình yêu thật sự” với 1 ngành cụ thể nào đó 🙂

            Thế nên vô tư đi em, không phải sợ và không nên sợ!

            Chúc em nhiều may mắn.

          3. Em cảm ơn chị lắm ạ!!! Em muốn nói rất nhiều nữa nhưng ko biết nói thế nào…Cảm ơn cơ duyên nào đó cho em đọc được những bài chia sẻ của chị, lại được nhắn tin qua lại với chị thế này, rồi nghe được lời khuyên của chị nữa, em thực sự rất biết ơn!!!

  13. Trần Minh Xuân

    Cảm ơn anh về những chia sẻ giá trị này ạ!
    Anh cho em hỏi một chút: Năm nay em định apply EPOG, vào trang web của chương trình này thì chưa thấy thông báo gì về thời gian bắt đầu nhận hồ sơ mặc dù đã tháng 10 rồi. Em không biết là chương trình sẽ thông báo qua kênh nào ạ?

    1. Chương trình sẽ thông báo qua web là kênh chính nhất. Do đó nếu chưa thấy là thực sự chưa có, không phải lo đâu.

      P/s: Chị chứ hổng phải anh nhé huhu

Leave a Reply