Ai cũng muốn được một lần ghé thăm Châu Âu và một bước không thể tránh khỏi của đại đa số mọi người chính là xin visa Schengen. Q&A về visa Schengen sẽ trả lời các câu hỏi thường gặp nhất liên quan đến tấm visa “quyền lực” này
Mục lục của post này
Q1: Visa Schengen đi được những nước nào?
Q2: Ai cần xin visa Schengen?
Q3: Xin visa Schengen từ nước nào?
Q4: Xin visa ở đâu?
Q5: Có thể nộp visa trước bao lâu?
Q6: Hồ sơ xin visa Schengen gồm những gì?
Q7: Mua bảo hiểm để nộp visa ở đâu?
Q8: Thời gian xét hồ sơ là bao lâu?
Q9: Đọc các thông tin trên visa như thế nào?
Q10: Có visa rồi là chắc chắn được nhập cảnh đúng không?
Q11: Visa nước A cấp mà nhập cảnh vô nước B có được không?
Q1. Visa Schengen đi được những nước nào ở Châu Âu?
Để hiểu rõ cần phân biệt 3 khái niệm:
1) Châu Âu (Europe): chỉ một châu lục, có ý nghĩ về mặt địa lý. Có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm tại Châu Âu.
2) Liên minh Châu Âu (European Union hay EU): Đây là một liên minh kinh tế-chính trị bao gồm 28 quốc gia tại Châu Âu.
Như vậy có 22 quốc gia/vùng lãnh thổ nằm tại Châu Âu nhưng không thuộc Liên minh Châu Âu. Bạn nghe đến Brexit chưa? Vương quốc Anh sẽ chính thức “li dị” khối liên minh Châu Âu vào 29/3/2019 –> EU khi đó sẽ chỉ còn 27 quốc gia 🙂
3) Schengen: Đây là một hiệp ước đi lại giữa một số quốc gia ở Châu Âu. Có 26 nước đã tham gia vào Hiệp ước. Về cơ bản, các nước tham gia Hiệp ước sẽ thực hiện chính sách “đường biên giới mở” tức là không có kiểm soát hộ chiếu tại biên giới (không có dấu) và các quốc gia thành viên cấp visa Schengen có giá trị đi lại trong toàn khối!
Để mọi việc thêm chút phức tạp, có 1 số trường hợp đặc biệt sau:
- Vương quốc Anh (gồm Anh, Bắc Ailen, Scotland và xứ Wales) và Ireland (Ai-len): 2 nước thuộc LM Châu Âu nhưng “không chịu” tham gia vào Schengen. Muốn vào 2 nước này cần xin visa riêng! Visa Schengen không có giá trị.
- Iceland, Norway (Na Uy), Switzerland (Thụy Sĩ) và Liechtenstein: 4 nước KHÔNG thuộc LM Châu Âu nhưng “vui vẻ” tham gia Schengen. Visa Schengen có giá trị.
- Croatia, Romania, Bulgaria và Cyprus (đảo Síp): 4 nước mới vào LM Châu Âu và đang “chuẩn bị” vào Schengen. Tuy chưa vào Schengen do bận chuẩn bị các vấn đề hành chính/kỹ thuật, 4 nước này đều chấp nhận visa Schengen (dạng dual hoặc mult entry)! Vẫn sẽ có kiểm soát hộ chiếu và đóng dấu ở biên giới nhưng visa Schengen có giá trị (multiple entry), bạn không cần xin visa riêng!
Các bạn nhìn vô bản đồ dưới đây để hiểu rõ hơn (Visa Schengen đi được tất cả các nước có màu xanh nhạt, xanh đậm và vàng. Không đi được nước màu xanh lá cây)
BONUS:
Có 1 số nước do muốn đẩy mạnh du lịch nên rất vui vẻ chấp nhận người có visa Schengen vào nước họ với thời gian giới hạn (ví dụ 15, 30, 60, 90 ngày).
- Trường hợp cứ cầm hộ chiếu có visa Schengen là sẽ đi được, không cần xin visa riêng. Sẽ có kiểm soát hộ chiếu ở biên giới và đóng dấu nhập/xuất cảnh: 5 nước vùng Balkans bao gồm Montenegro, Albania, Bosnia and Herzegovina, Macedonia, Serbia
- Trường hợp nếu có visa Schengen thì được xin visa online: Thổ Nhĩ Kỳ (Lưu ý còn 2 điều kiện nữa là nhập cảnh bằng đường không tại 1 số sân bay nhất định và bay với các hãng máy bay của Thổ. Hướng dẫn chi tiết có thể xem tại post: Xin visa Thổ Nhĩ Kỳ ONLINE)
Q2. Ai cần xin visa Schengen?
Để cho ngắn gọn, hộ chiếu Việt Nam loại thường (không phải công vụ, ngoại giao …) thì cần xin hết 😐
Q3. Xin visa Schengen từ nước nào?
Theo luật quy định, bạn PHẢI xin visa Schengen từ nước
- Ở lâu nhất, HOẶC
- Đến đầu tiên (khi thời gian ở các nước là như nhau)
Tuy nhiên, hộ chiếu Việt Nam yếu 🙁 nên có một số nước KHÔNG cấp visa du lịch cho người không có thư mời! Do đó, bạn tự điều chỉnh lịch trình để xin visa ở các nước có cấp cho người đi tự túc không ai thân quan mời mọc. Ví dụ: Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ý…
Q4. Xin visa ở đâu?
Tùy nước. Một số nước sẽ cho đến đại sứ quán xin trực tiếp. Số khác sẽ buộc bản phải nộp hồ sơ qua đơn vị trung gian như TLS (Pháp) hay VFS (Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển…).
Các đơn vị trung gian nói trên chỉ THU HỘ hồ sơ rồi gửi đại sứ quán chứ họ hoàn toàn KHÔNG có quyền XÉT DUYỆT được hay không được visa nhé. Dĩ nhiên với kinh nghiệm trong nghề, họ đủ khả năng để trả lời và tư vấn các câu hỏi liên quan đến quá trình nộp visa như “thời gian xét duyệt”, “tài liệu cần thiết” …
Q5. Có thể nộp visa trước bao lâu?
Thông thường, bạn cần nộp hồ sơ xin visa ÍT NHẤT 15 ngày trước ngày định đi nhưng KHÔNG QUÁ 3 tháng trước ngày khởi hành.
Lời khuyên là nộp càng sớm càng tốt vì có visa rồi, mua vé tàu xe cho sớm mới được giá rẻ (Xem thêm về 1) Hệ thống tàu hỏa 2) Giao thông công cộng và 3) Máy bay vé rẻ ở Châu Âu).
Q6. Hồ sơ xin visa Schengen gồm những gì?
Xem hướng dẫn chi tiết tại post: Xin visa Schengen từ Việt Nam
Về cơ bản cần chứng minh 2 điểm chính
- Đủ tài chính để đi
- Không (thèm) ở lại mà sẽ quay về nước
Lầm tưởng nghiêm trọng cần tránh: Chứng minh càng nhiều tiền càng tốt. Tiền mua tiên cũng được.
SAI. Tiền nhiều mà không chứng minh được nguồn gốc thu nhập sẽ bị nghi ngờ. Tiền nhiều quá lại có khả năng ở lại –> loại. Mỗi nước có quy định về số tiền tối thiểu để du lịch trong 1 ngày, dao động tầm 40-100e.
Công thức của mình: Chứng minh tài chính tối thiểu = 100e x số ngày x 2
Ví dụ: Đi 10 ngày sẽ cần chứng minh ÍT nhất: 100e x 10 x 2 = 2000e ~ 50 triệu VND. Tại sao x 2? Vì còn mua sắm, còn tiền đề phòng khi có các vấn đề nguy cấp xảy ra (lỡ chuyến, mua vé mới, mất tiền, ốm đau…)
Q7. Mua bảo hiểm để nộp xin visa ở đâu?
Các hãng bảo hiểm giờ đều mua online được, rất tiện.
Có thể mua của AIG (có chính sách hoàn tiền nếu “lỡ” trượt visa) hoặc Liberty, Bảo Việt… Lưu ý mức chi trả của bảo hiểm tối thiểu PHẢI là 30.000 EUR (~ 800 triệu).
Các hãng nói trên đều cung cấp gói bảo hiểm trên mức này.
Q8. Thời gian xét hồ sơ là bao lâu?
Cái này tùy nước và tùy hồ sơ. Thông thường hay hẹn 15 ngày làm việc. Nếu nhanh chỉ 3-5 ngày là có visa. Nếu lâu có thể lên đến 30 ngày.
Q9. Đọc các thông tin trên visa như thế nào?
(1) VALID FOR: Schengen State –> Có giá trị toàn khối. Nếu bạn chỉ xin đi 1 nước, có khả năng họ cấp visa vào mỗi nước đó.
Ví dụ: Valid for: Nederland –> chỉ đi được Hà Lan
(2) DURATION OF STAY: Số ngày bạn được phép lưu lại trong khối. Tối đa là 90 ngày. Tối thiểu thì bằng số ngày bạn xin 🙂 Số ngày tính theo dấu nhập và xuất cảnh trên hộ chiếu, không phải theo ngày bay.
Ví dụ: Bạn được cấp visa ghi Duration of stay = 15 days –> Bạn bay từ Việt Nam ngày 30/4, đến Pháp và nhập cảnh vào ngày mùng 1/5 thì sẽ phải rời đi vào ngày 15/5 (không phải ngày 14/5 do không tính thời gian bạn bay trên trời ^^)
(3) FROM … UNTIL: thường sẽ dài hơn so với số ngày khi trong mục Duration of stay. Mục đích là để bạn có thể lên kế hoạch du lịch được dễ dàng hơn (họ cũng nhân đạo lắm chứ bộ).
Lưu ý:
ĐIỀU 1: Tuyệt đối tuân thủ số ngày trong mục Duration of stay! Nếu Duration of stay cho 15 ngày (như trong ví dụ trên), From … to có thể cho là từ 15/4 đến 30/5. Điều này KHÔNG có nghĩa bạn được ở hết cái số ngày này! Bạn vẫn phải vác vali đi ra khi hết 15 ngày nhé!
ĐIỀU 2: KHÔNG thể vào trước ngày ghi trong mục FROM. Dù là trước 5 phút cũng không được! Nếu bạn bay đến sớm vài tiếng thì sẽ phải đợi đúng giờ mới nhập cảnh được. Chú ý để mua vé máy bay nha. Đừng nghĩ kiểu “đợi vài tiếng là muỗi” vì bạn chỉ lấy được hành lý sau khi nhập cảnh. Băng chuyền hành lý thì không đợi bạn nên sau khi “đợi vài tiếng để nhập cảnh” bạn sẽ phải đi tìm xem hành lý của mình đã được chuyển đến đâu và làm thủ tục nhận lại. Phiền lắm đó.
ĐIỀU 3: BẮT BUỘC phải đi ra vào ngày ghi trong mục TO bất kể số ngày đã ở trong khối!
Vẫn ví dụ trên, nếu bạn vào Pháp ngày 20/5 thì đến ngày 30/5 bạn mới ở được 11 ngày. Đừng nghĩ rằng Duration of stay ghi 15 ngày thì ở đủ 15 ngày mới phải về. Dù bạn mới ở 11 ngày hay 1 ngày đi chăng nữa, đến đúng ngày ghi trong mục TO… bạn vẫn phải về 🙂
Trừ trường hợp bất khả kháng (ốm đau liệt giường), vui lòng ở đúng số ngày và đi ra đúng ngày quy định để đảm bảo lần xin visa sau được thuận lợi. Bạn có thể bị cấm nhập cảnh vài năm nếu vi phạm!
(4) NUMBER OF ENTRY: Single (01), dual (02) và multiple entry (MULT)
- Single entry: Chỉ được nhập cảnh vô khối 1 lần. Khi đã xuất cảnh là không vào lại được nữa. Xin visa mới để vào nhé
- Dual entry: Được nhập cảnh vô khối tối đa 2 lần
- Multiple entry: Vào/ra bao nhiêu lần thoải mái, miễn là mỗi lần vào ở đúng Duration of stay VÀ tất cả các lần vào/ra nằm trong khoảng From… to … ghi trên visa. Nếu có visa multiple entry mà trong mục Duration of stay không ghi số ngày (ghi xxx) HOẶC ghi 90 ngày (đây là mức tối đa) thì phải tuân theo quy định 90/180 – “lưu trú không quá 90 ngày trong bất kỳ khoảng thời gian 180 ngày nào”.
Ví dụ: Bạn có visa multi 1 năm, giá trị từ 1/1 đến 31/12.
Tháng 1 bạn đi 30 ngày, từ 1/1 đến 30/1. Tháng 3 đi 30 ngày, từ 1/3 đến 30/3. Tháng 5 đi 15 ngày, từ 1/5 đến 15/5.
Nếu tháng 6 muốn đi tiếp thì sẽ chỉ được đi 15 ngày do trước đó đã đi 75 ngày rồi.
Giả sử tháng 6 bạn đi 15 ngày từ 1/6-15/6. Trong tháng 6 sẽ không đi được nữa do đã ở đủ 90 ngày.
Tháng 7 nếu đi tiếp thì sẽ đi được bao nhiêu ngày?
90 ngày? SAI. Không phải cứ hết hạn 180 ngày lần 1 là đồng hồ reset và tính lại từ 0 nhé. Nên nhớ quy định là “90 ngày trong BẤT KỲ KHOẢNG 180 ngày nào”. Nghĩa là khi sang tháng 7, thì khoảng 180 ngày sẽ được tính là từ tháng 2 đến tháng 7! 30 ngày đi vào tháng 1 khi đó sẽ được bỏ qua. Như vậy, tháng 7 sẽ được đi tối đa 30 ngày nữa 🙂
Đau đầu nhỉ? May là LM Châu Âu có cung cấp 1 công cụ tính số ngày còn được phép lưu trú tại khối Schengen, bạn có thể sử dụng để tính toán và đảm bảo đi + lưu trú cho đúng luật.
Lưu ý: Nhập và xuất cảnh KHÔNG yêu cầu ở cùng 1 nơi. Hoàn toàn không có cái quy định này. Bạn NÊN vào khối ở nước bạn đã xin visa và tự do đi ra khỏi khối từ BẤT KỲ NƯỚC NÀO.
Q10. Có visa rồi là CHẮC CHẮN được nhập cảnh đúng không?
SAI. Điểm này được ghi rõ như sau “short-stay visa does not automatically entitle you to enter the Schengen area”.
Tại bộ phẩn kiểm soát (border control/immigration control) bạn CÓ THỂ bị hỏi vài câu hỏi và yêu cầu đưa ra thông tin về phương tiện di chuyển, thời gian lưu trú, lý do/mục đích của chuyến đi …
Nếu người kiểm tra không hài lòng với câu trả lời của bạn (nhận thấy có sai phạm, thông tin không trung thực…) họ có quyền TỪ CHỐI cho bạn nhập cảnh. Bạn sẽ PHẢI lên máy bay quay về nước.
Lưu ý, khi bạn bị từ chối và lên máy bay về nước, thông thường hãng bay đưa bạn sang phải chịu chi phí vé về! Ngoài ra cũng do yêu cầu từ các nước…
… các hãng hàng máy bay PHẢI và CÓ QUYỀN xem visa của bạn trước khi để bạn lên máy bay. Họ có quyền kiểm tra nhưng KHÔNG có quyền từ chối cho bạn bay nếu không có lý do chính đáng
Do đó đừng chửi các nhân viên sân bay khi họ có hỏi han, vặn vẹo “sao visa Pháp mà bay đi Ý”. Tội nghiệp, họ chỉ làm đúng quy trình thôi!
- Nếu bạn đã chuẩn bị đủ giấy tờ và lời giải thích khi nhập cảnh và đủ tự tin bạn có thể phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm cho hãng bay, tức là bạn đồng ý chịu mọi chi phí và trách nhiệm nếu hãng cho bạn bay mà sau đó bạn bị từ chối nhập cảnh ở nước bay đến.
- Nếu bạn không đủ giấy tờ và giải thích không thỏa đáng, hãng bay có thể từ chối cho bạn bay. Ví dụ trích từ “Điều lệ vận chuyển hành khách và hành lý” của Vietnam Airlines, điều 8.1.1 “Việc từ chối vận chuyển là cần thiết để tuân thủ các luật lệ, quy định, chỉ thị hiện hành của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà tàu bay bay đi, đến hoặc bay qua“
- Trong bất kỳ trường hợp nào cần bình tình đối đáp, lịch sự và nhẹ nhàng, đừng có nhảy sồn sồn lên, chửi mắng, quát tháo (nhắc lại, hãng bay vặn vẹo là đúng quy trình và là trách nhiệm của họ) vì bạn có thể bị từ chối bay dù visa/giấy tờ hợp lệ do “gây rối trật tự tại cảng hàng không, ảnh hưởng an toàn bay”! Tệ hơn, họ có thể liên hệ đại sự quán, đại sứ quán nghe trình bày lại hủy visa của bạn và cấm bạn nộp visa trong 1 khoảng thời gian nào đó thì … hối không kịp nha”
Q11. Visa nước A cấp mà nhập cảnh vô nước B có được không?
Câu này chắc được hỏi cả đến 1001 lần rồi. Câu trả lời chuẩn nhất là … HÊN XUI
CHẮC CHẮN được nhập cảnh NẾU 1) Bạn có visa multi dài hạn (6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm); 2) Đây là lần nhập cảnh thứ 2, 3, 4 … và 3) Lần 1 đã ngoan ngoãn nhập cảnh đúng nước cấp visa (nước A).
Ví dụ: Không phải visa do Pháp cấp, loại 1 năm thì trong 1 năm lần nào cũng phải vào Pháp 🙂 Lần 1 vô Pháp, lần 2-3-4… thì vô đâu cũng được!
CÓ THỂ ĐƯỢC nhập cảnh NẾU giải trình được lý do hợp lý nhập cảnh vào B (kèm bằng chứng rõ ràng). Ví dụ: không có đường bay thẳng đến A nên phải đến B trước rồi sang A sau (có vé tàu xe sang A). Ví dụ B là nước ở lâu nhất (có booking khách sạn).
CÓ THỂ ĐƯỢC nhập cảnh NẾU nhân viên ở border control dễ tính không hỏi han gì hoặc do hộ chiếu của bạn chi chít visa các nước 🙂
Lưu ý: Có visa từ A mà nhập cảnh A còn có thể bị mời về nhé (Xem Q10 ở trên)
OK la, tạm vậy đã. Nếu có câu hỏi, vui lòng để lại comment, mình sẽ trả lời và cập nhật thêm vào bài viết. Thanks!
—
Have fun when roll around!
Bask
Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.
Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.