Bali – nơi văn hóa sống trong từng hơi thở

(Last Updated On: November 21, 2016)

Đảo Bali của Indonesia vốn từ lâu đã được mệnh danh là “thiên đường du lịch” bởi giới mộ điệu bốn phương. Quả thật chỉ cần ghé thăm nơi đây bạn sẽ phải choáng ngợp trước sự đa dạng và hoàn thiện của các yếu tố tạo nên “thiên đường” Bali.

Một vài yếu tố làm nên sức hút của Bali có thể kể đến như biển xanh, cát trắng, các khu ăn chơi cuồng nhiệt, các resort sang trọng, dịch vụ hoàn hảo bậc nhất, người dân vô cùng thân thiện, đồ ăn siêu ngon và nhất là …

…nền văn hóa độc đáo vẫn đang sống và hiện hữu trên từng tấc đất và trong từng khoảnh khắc đời sống nơi đây!

Gần 90% người dân Indonesia theo đạo Hồi. Indonesia cũng là đất nước Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới. Tuy nhiên đa số người dân Bali lại theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo hay đạo Bà La Môn) chứ không theo đạo Hồi. Cả đất nước Indonesia có khoảng 4 triệu người theo đạo Hindu thì có đến hơn 3 triệu người là ở Bali!

Người dân ở đây vô cùng mộ đạo. Các lễ hội văn hóa lớn được tổ chức thường xuyên, ít nhất hai lẫn mỗi tháng. Trong mỗi ngôi nhà của người dân Bali đều có một khu điện thờ, nơi các hoạt động thờ cúng diễn ra từng ngày và được mỗi người dân vô cùng trân trọng. Bất kỳ hoạt động gì trong cuộc sống thường nhật của người dân đều được gắn với các nghi thức tâm linh. Thế mới nói văn hóa ở Bali không phải là một cái gì đó cần bảo tồn (vì nó chưa hề mất đi tí nào).

Văn hóa, truyền thống của người dân Bali vẫn đang “sống” cũng mỗi nhịp đập của cuộc sống.

Nếu có điều kiện, bạn có thể chọn hình thức ở “homestay” – ở trong những ngôi nhà truyền thống cùng với người dân Bali – để thực sự cảm nhận được nhịp sống và các nét đẹp tôn giáo của người Bali. Tuy nhiên nếu muốn ở các khách sạn hiện đại hay resort sang trọng, bạn vẫn có thể chọn cách viếng thăm các ngôi đền thiêng của Bali.

Bản thân mình rất thích tìm hiểu về văn hóa và đời sống nên trong chuyến du lịch Bali, mình đã sắp xếp để trải nghiệm cả 2 điều nói trên: ở tại một ngôi nhà truyền thống và ghé thăm các ngôi đền thiêng của Bali.

Các ngôi đền mà mình đã ghé thăm gồm có Gunung Kawi, Tirta Empul, Taman Auyn, Ulun Danu, Uluwatu và Tanah Lot.

Điểm đến đầu tiên của tôi trong hành trình viếng thăm các khu đền thiêng của Bali là đền Tirta Empul nơi có 1 trong 7 nguồn nước thiêng nổi tiếng nhất thế giới. Tirta Empul theo tiếng Bali nghĩa là Holy Spring (Suối Thiêng). Ngôi đền có cả ngàn năm tuổi, được xây dựng từ năm 962 sau công nguyên. Nhờ dòng suối chảy, nước trong hồ tẩy trần của ngôi đền được thanh lọc liên tục, luôn luôn tươi mới. Chính vì lý do này mà các tín đồ Hindu trên đảo thường đến nơi đây để tắm gội tẩy trần. Du khách ghé thăm hoàn toàn có thể xuống hồ để đắm mình trong làn nước thiêng xanh mát và trong lành.

Khách Tây đang thỏa thích tắm mát tại hồ nước thiêng của Tirta Empul
Người dân bản địa mang đồ tới cúng lễ và chuẩn bị cho nghi thức tắm rửa tẩy trần

Rời hồ nước thiêng tại Tirta Empul, mình đến với tổ hợp đền và vườn Pura Taman Ayun. Taman Ayun hay “khu vườn xinh đẹp” là một tổ hợp đền được bao quanh bởi màu xanh mướt của cây cỏ và sắc rực rỡ của hoa lá. Màu đen thẫm của mái đền nổi bật trên sắc xanh của bầu trời giúp bạn có những bức ảnh đẹp dù không phải là thợ ảnh chuyên nghiệp! Thật vậy, cầm máy ảnh bấm vu vơ vì tâm hồn còn bận thả cùng cảnh sắc, thế mà về nhà kiểm tra thấy ảnh vẫn cứ đẹp lạ lùng 😉 (đấy gọi là ngụy biện và phòng trước bạn nào chê ảnh mình hổng đẹp long lanh như postcard).

Màu đen thẫm của mái đền Taman Ayun nổi bật trên sắc xanh của bầu trời
Một góc khác của Taman Ayun (góc nào cũng đẹp hết ý)

Điểm đến tiếp theo là đền nước Ulun Danu Bratan, nằm trên hồ Bratan, ở độ cao 1200 m so với mực nước biển. Gọi là đền nước vì đền thờ thần nước Dewi Danu theo tín ngưỡng Bali. Do nằm ở vị trí khá cao, nên không khí cực kỳ trong lành và rất mát, thậm chí còn hơi lạnh (một sự xa xỉ hiếm hoi trong bối cảnh thời tiết nhiệt đới siêu nóng nực của Bali). Phải mất hơn 1 tiếng rưỡi lái xe từ Taman Ayun mới đến được ngôi đền xinh đẹp này.

Đền nước Ulun Danu Bratan

Trời đã về chiều nên không khí khá lạnh. Co ro với quần sọc áo phông, mình nhanh chóng hòa vào dòng người đang ngẩn ngơ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi đền. Được mấy phút thì sương chiều bắt đầu giăng xuống, ngôi đền và cả khung cảnh từ từ mờ dần và ẩn hiện trong màn sương. Thật giống một bức tranh thủy mặc và cũng thật giống với 2 câu ca dao “Mịt mù khói tỏa ngàn sương, … ; Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Ngôi đền Ulun Danu Bratan hiện rõ khi sương chưa giăng xuống…
… và ẩn hiện khi sương xuống
Theo ý kiến cá nhân, Ulun Danu là ngôi đền đẹp nhất và được mình yêu thích nhất tại Bali.

Rời Ulun Danu Bratan, mình và nhóm bạn nhanh chóng di chuyển đến đền Tanah Lot với mong muốn được ngắm hoàng hôn tại ngôi đền nổi tiếng bậc nhất Bali này. Không một bức postcard nào của Bali mà không thấy hình ngôi đền này. Sự độc đáo nằm ở chỗ Tanah Lot được xây dựng trên một tảng đá lớn nằm trên biển! Có đường dẫn ra đền nhưng chỉ có thể nhìn thấy khi nước thấp. Khi thủy triều lên, đường dẫn sẽ hoàn toàn chìm dưới đáy biển và ngôi đền được nhìn thấy như nằm chênh vênh giữa biển khơi, chỉ có sóng, gió và những con hải âu làm bạn. Tanah Lot đông khủng khiếp lúc chúng mình đến nơi. Vốn dị ứng chỗ đông người, mình chỉ đứng từ xa ngắm ngôi đền chứ không lội nước ra đến tận chân đền như nhiều du khách khác.

Tanah Lot (chút thất vọng nho nhỏ vì cái sự đông)

Ngắm chán, mình tha thẩn đi xung quanh và bắt gặp đền Batu Bolong cách đó không xa. Yêu từ cái nhìn đầu tiên! Ngôi đền bé nhỏ này cũng nằm trên 1 tảng đá nhô ra biển nhưng vì cấm du khách vào đền nên bạn có thể thưởng thức cảnh mặt trời lặn dần trên đỉnh ngôi đền cùng tiếng sóng vỗ rì rào mà không bị ảnh hưởng bởi đám đông du khách lố nhố ồn ào như bên đền Tanah Lot. Tanah Lot là điểm kết thúc một ngày hành hương dài nhưng đáng giá từng giây phút.

Batu Bolong – người em ít được để ý tới nhưng lại có phần đẹp hơn cả ông anh Tanah Lot

Các ngày sau đó mình còn đi thăm thú thêm được đền Gunung Kawi và đền Uluwatu. Trong đó, Gunung Kawi là một quần thể gồm 10 ngôi đền cao hơn 7m được tạc thẳng vào vách núi đá từ khoảng thế kỉ 11. Từ cổng vào khu di tích, thong thả bước xuống hơn 300 bậc thang dẫn đến thung lũng nơi quần thể đền tọa lạc.

Cổng vào đền Gunung Kawi (300 bậc thang đang chờ bạn sau tấm biển này 😉

Đi du lịch quen rồi nên khi bước xuống mình nghĩ ngay đến quãng đường leo ngược lên. Hix, xuống dễ chứ lên thì mệt lắm, đường còn khá dốc nữa. Nhưng công xá bỏ ra cũng đáng vì hết 300 bậc thang, đi qua thêm 1 con cầu đá nữa là đôi mắt sẽ được chiêu đãi bởi những ngôi đền hùng vĩ nằm uy nghiêm trong vách đá. Quả thật phục người xưa lắm, với công cụ thô sơ của thế kỷ 11 thì thật không biết bàn tay của những nghệ nhân tài hoa nào cũng như bao nhiêu nỗ lực và mồ hôi đã phải đổ xuống để hoàn thành công trình kì vĩ này.

Đền Gunung Kawi được tạc thằng vào vách đá

Uluwatu cũng là một trong những ngôi nền thiêng nổi tiếng nhất Bali và có mặt trên nhiều tấm postcard về Bali. Nằm trên mỏm của một vách đá cao hơn 70m nhìn ra biển Jawa, Uluwatu có cảnh quan vừa hiểm trở vừa kỳ vĩ. Đây cũng là một nơi ngắm mặt trời lặn đẹp có tiếng và là nơi biểu diễn Kecak dance hay “vũ điệu lửa” – vũ điệu truyền thống của người dân Bali.

Uluwatu nhìn cận cảnh khi mặt trời chưa xuống
Ngôi đền soi bóng xa xa khi hoàng hôn buông (máy ảnh lởm, các bác thông cảm)

Uluwatu đang dần mất điểm trong mắt du khách do vấn nạn “khỉ tặc” ở đây. Khỉ ở ngôi đền này nhiều khủng khiếp và rất dạn người. Chúng thường xuyên xông vào du khách cướp kính hoặc mũ! Một thành viên trong đoàn mình bị giật mất kính. Khi nhân viên đền chạy ra ném bánh cho “kẻ trộm” thì chú khỉ ném chiếc kính ra phía biển để lấy bánh. Cũng may có mấy cành cây đỡ nên chiếc kính còn quay về được với chủ nhân, nếu không thì chắc đã hạ cánh xuống bãi cát dưới chân đền cả 70m rồi. Một khu đền đẹp nhưng bị mấy con vật giời đánh làm hỏng hết cả uy nghiêm của một khu đền.

Con khỉ tặc , thủ phạm làm mất điểm Uluwatu trong mắt mình (và mắt khối người khác)

Nói chung mỗi ngôi đền ở Bali có một vẻ đẹp và một câu chuyện riêng. Ý nghĩa văn hóa và tâm linh của các ngôi đền thiêng khiến việc bỏ lỡ việc thăm quan là không thể chấp nhận được khi bạn ghé thăm Bali lần đầu. Cũng không nhất thiết phải đi hết nhưng …

…ghé thăm 1-2 khu đền là cần thiết để hiểu về nét đẹp và sự sống của văn hóa, tôn giáo Bali!

***

Một vài thông tin cơ bản khác:

  • Visa: Indonesia nằm trong khối ASEAN nên chỉ cần hộ chiếu còn hạn tối thiểu 6 tháng là bạn có thể nhập cảnh dễ dàng
  • Thời điểm: Tháng 5, 6 và 9 là thời điểm tốt nhất để ghé thăm Bali do đang là mùa khô, ít mưa, cũng chưa phải là cao điểm nắng nóng và du lịch (tháng 7, 8). Ngoài ra thì tháng 4 và tháng 10 cũng khá ổn. Nên tránh tháng 7, 8 bằng mọi giá vì vô cùng nắng nóng, cực kỳ đông đúc và giá cả của bất kỳ dịch vụ nào đều tăng cao chóng mặt
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh được dùng rất phổ biến, hầu như người dân nào cũng nói được, nhất là ở các địa điểm du lịch
  • Hành trình: Bali có sân bay quốc tế Denpasar. Hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Bali. Kinh tế nhất là bay với hãng Air Asia, mua 2 vé rời, Hà Nội-Kuala Lumpur/Bangkok và Kuala Lumpur/Bangkok – Bali. Giá vé khứ hồi tổng cộng vào khoảng 4 triệu.
  • Tiền tệ: Indonexian rupiah, kí hiệu idr hoặc rp. Tỷ giá khi mình đi (5/2016) là 1 usd = 13,200 rp. Bạn chỉ nên đổi tiền tại các quầy chính quy có logo xanh lá cây với dòng chữ PVA Berizin – Authorizer Money Changer. Ở sân bay nên đổi ít, đủ để về trung tâm thôi vì tỷ giá ở sân bay rất thấp.
  • Vé vào cửa các ngôi đền thiêng: Tirta Empul, Gunung Kawi 15,000 idr. Taman Ayun 20,000 idr. Ulun Danu Bratan, Tanah Lot 30,000 idr.
  • Trang phục: Khi ghé thăm Tirta Empul và Gunung Kawi, quần/váy dài đến gót (ko phải qua đầu gối đâu nhé) là cần thiết. Nếu không bạn cứ mặc bình thường, đến nơi thì quấn sarong (miễn phí) để vào đền. Sarong thì hôi lắm (cả tỷ người mặc mà) nên các bạn có thể hoặc sắm cho mình một cái riêng hoặc tận dụng một chiếc khăn quàng to nào đó. Ulun Danu Bratan, Taman Ayun và Tanah Lot thì không cần mặc sarong hay quần/váy dài (vì bản chất các bạn chỉ được đứng xa xa ngắm chứ có được vào tận đền đâu).


Have fun when roll around!

Bask

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply