Quy trình xuất bản bài báo khoa học

(Last Updated On: December 6, 2020)

Xuất bản (publications) mà nhất là các bài báo trên tạp chí khoa học có bình duyệt (peer-review journals) là một vấn đề sống còn, ảnh hưởng đến tiền lương, việc lên chức, danh tiếng… của một nhà nghiên cứu. Vậy quy trình của việc này là như thế nào?


Lưu ý: Đối tượng hướng tới của bài viết này không phải là những người đã có publications rồi nha (có rồi, biết rồi, khỏi đọc ^^). Mình muốn viết cho những em/bạn chưa từng xuất bản và còn đang chưa rõ lắm về quy trình và những điểm nên kỳ vọng (để không đặt kỳ vọng sai chỗ rồi thất vọng) 😉

Xuất bản khoa học (publications) bao gồm các bài báo, sách (chương sách), bài trình bày tại hội thảo… Tuy nhiên hôm nay sẽ chỉ nhắc đến bài báo khoa học (article) đăng trên các tạp chí khoa học có bình duyệt (peer-review journals) thôi nhé.

Đối với các em/bạn đang chuẩn bị nộp hồ sơ xin học/học bổng ở bậc cử nhân/thạc sĩ, có thể xem thêm bài viết “Publications trong hồ sơ xin học bổng – What and How?”

Quy trình về đơn giản là như sau (phiên bản không chính thống nhưng… thật): Viết bài –> sửa…..n lần… –> hài lòng + quyết định nộp cho báo –> bị từ chối ngay tắp lự hoặc bị reviewers chê cho sấp mặt –> sửa bài khi lòng đầy cay đắng (có thể lập lại nhiều lần) –> bài được chấp nhận đăng –> ăn mừng ^^

Coi sơ đồ dưới đây về quy trình (chính thống):

Dựa trên nguy cơ bị từ chối, cơ bản có thể chia làm 3 giai đoạn chính (số thứ tự đánh dấu tương ứng sơ đồ trên):

  1. Xét duyệt của tổng biên tập (editor-in-chief/editor)
  2. Tìm reviewers
  3. Bình duyệt (từ reviewers)

Giai đoạn 1: Xét duyệt của tổng biên tập

Thường khá nhanh, có thể từ vài phút đến khoảng 2 tuần

Ở giai đoạn này, bị từ chối ngay lập tức có khi là … tốt! Đỡ tốn thời gian chờ đợi. Từ chối ngay thường do bài báo có chủ đề không thuộc dạng ưu tiên của tạp chí hoặc đúng chủ đề rồi nhưng phạm vi/mức độ ảnh hưởng của bài báo được đánh giá là thấp hơn so với tiêu chuẩn của tạp chí (ví dụ một bài báo cáo kết quả nghiên cứu cắt ngang về vấn đề xyz tại Việt Nam khó được đăng ở các báo có IF- impact factor cao, nói dễ hiểu là báo hàng đầu đi, vì dù kết quả có hay thì bài đó cũng sẽ ít được trích dẫn do chỉ là kết quả tại một nước không được quan tâm ^^ Mà ít trích dẫn thì sẽ ảnh hưởng đến IF của báo –> kéo IF xuống –> tốt nhất là không đăng).

Dù vì lý do thì cũng ok, bạn nhận được câu trả lời sớm để bê sản phẩm đi chỗ khác nộp. Các báo xịn, rank cao thường có “time to editorial decision” cực nhanh. Như báo đầu ngành của ngành mình thì lâu lắm là 2 ngày, bạn mình từng nhận được từ chối sau 20 phút :D. Thày mình khi bảo nộp bài cho báo nè thường chêm thêm câu “at least, they let you know very fast” hix :(. Nói chung là nhận từ chối ở giai đoạn này thì cũng đau nhưng không đến nỗi tan nát cõi lòng.

Giai đoạn 2: Tìm người bình duyệt (reviewers)

Đây là khi bản thảo (manuscript) của bạn được gửi cho các reviewers để được bình duyệt. Giai đoạn này có thể rất dài nếu không tìm được reviewers hoặc reviewers mãi không trả lời –> báo có thể quyết định reject bài của bạn. Sẽ rất đen và bực mình khi bị từ chối ở giai đoạn này vì phải chờ đợi lâu mà rốt cuộc không nhận được góp ý gì để cải thiện bản thảo –> lãng phí thời gian. Mình không rõ khoảng này có thể dài đến bao lâu nhưng bạn mình từng bị 5 tháng!

Giai đoạn 3: Bình duyệt (từ reviewers)

Đây là khi bản thảo được gửi đến reviewers và họ cho góp ý để bạn sửa. Đây là một vòng lặp của sửa – góp ý – sửa tiếp. Giai đoạn này có thể dài… vô tận nếu sửa mãi mà không được ưng 😐 và do mỗi lần sửa xong gửi lại thì thời gian đợi góp ý có thể rất lâu.

Quá trình này đau đớn là thường nhật và tan nát cõi lòng có thể đến vào bất cứ lúc nào. Đến càng muộn thì càng đau ☹

Ví dụ:

  • Reviewers có thể reject ngay ở lần đầu tiên xem bản thảo. Cái này khá hơn khi bị từ chối ở giai đoạn 2 vì ít nhất bạn sẽ nhận được góp ý từ reviewers khi họ reject.
  • Reviewers chưa từ chối vội, bắt sửa, ít hoặc nhiều (minor revision or major revision). Sau khi bạn sửa họ vẫn có thể reject như thường. Và nếu sửa vài lần mới bị từ chối thì đó “càng muộn càng đau” mà.

Nói chung thuận lợi thì tầm 4-6 tháng cho giai đoạn này. Không thuận lợi thì 1 năm, 2 năm, 3 năm,… thậm chí 10 năm cũng có


Các báo ngày nay cũng khá là rõ ràng trong việc cung cấp thông tin về thời gian chờ đợi trung bình cho các tác giả chuẩn bị nộp bài –> để chuẩn bị tinh thần và ai mà nhắm tâm hồn mình mong manh dễ vỡ quá hoặc đang gấp cần bài được duyệt nhanh thì tránh các báo có thời gian xử lí lâu ra ^^

Một số thông số nên chú ý:

  • Time to editorial decision: tương ứng thời gian đợi đến kết quả của giai đoạn 1 (xét duyệt của tổng biên tập)
  • Time to first decision: tương ứng thời gian đợi đến khi có kết quả lần đầu tiên của reviewers (vậy là bao gồm giai đoạn 1, 2 và bước đầu của giai đoạn 3)
  • Time to final decision/acceptance: tương ứng thời gian đến khi có kết quả của giai đoạn 3 (hay từ khi nộp đến khi có kết quả cuối cùng là được đăng hay không)

Như bạn thấy trong ảnh là thống kê của PLOS ONE, 1 báo trong ngành mình, luôn tự hào là quy trình xét duyệt nhanh, hiệu quả (tức là họ phải ép reviewers gửi góp ý lẹ đó). Và kể cả khi họ nói “nhanh” thì như bạn thấy, thời gian trung bình từ lúc nộp đến lúc có kết quả vẫn là 6 tháng –> xác định tư tưởng nhé.

Lời cuối: Take it easy! Đừng tạo thêm stress cho mình khi cay cú vì mãi không thấy kết quả. Đừng phát điên khi đọc góp ý của reviewers sau 3 tháng chờ đợi lol. Đừng chọn báo có thời gian xử lý lâu khi bản thân đang vội (thấy khó mà cứ đâm đầu là cầm chắc stress rồi còn gì). It’s a long fight and everybody is struggling the same as you! Thế cho nên không việc gì phải xoắn hay điên lên làm gì ^_________^ Good luck!


There is no shame in falling down
True shame is to not stand up again!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply