Cẩm nang đi lại tại Tokyo và Kyoto

(Last Updated On: December 5, 2020)

Bay đến Nhật Bản và đi lại nội địa tại Nhật luôn bị kêu là đắt. Tuy nhiên nếu biết cách sử dụng kết hợp các loại phương tiện, pass, vé, khuyến mại một cách thông minh, bạn sẽ tiết kiệm được khối tiền cho chuyến du lịch đến đất nước mặt trời mọc. Cẩm nang này sẽ giúp bạn 🙂

Mục lục của post này
I/ Vé máy bay Việt Nam – Nhật
II/ JP Pass – nên mua hay không?
III/ Di chuyển từ sân bay Kansai (KIX) về Kyoto (hoặc ngược lại)
IV/ Di chuyển từ sân bay Tokyo (Narita| Haneda) về nội đô Tokyo (hoặc ngược lại)
V/ Di chuyển Tokyo-Kyoto (hoặc ngược lại)
VI/ Di chuyển trong Tokyo
VII/ Di chuyển trong Kyoto
VIII/ Di chuyển Kyoto – Nara


I/ VÉ MÁY BAY VN-JAPAN

Bay thẳng: Vietnam Airlines (VNA)All Nippon Airways (ANA), chỉ mất 4h30 phút. VNA đắt nhất, không ai sánh bằng. ANA chuẩn chất lượng Nhật Bản tuy nhiên vé khá đắt. Nếu căn được đúng đợt sale mạnh thì may ra có thể vớ được vé tầm 500$ khứ hồi (hiếm lắm nhé).

Bay quằn quèo – transit theo vé (mua 1 vé của 1 hãng hàng không và phải transit ở đâu đó): Cathay Pacific (hãng của Hong Kong và transit ở Hong Kong luôn), Jetstar (transit ở Hong Kong hoặc Đà Nẵng, Air Asia (transit ở Bangkok), Thai Airways (transit ở Bangkok), China Southern Airlines (transit ở Quảng Châu), Hahn Air (transit ở Incheon)… Nói chung là vô thiên lủng. Giá cả thay đổi không dự báo nổi, thời gian bay cũng bạt ngàn lựa chọn từ 7 tiếng đến 20 tiếng. Nói chung Air Asia và Jetstar thông thường sẽ là rẻ nhất. Khi nào có ngày bay thì cứ Skyscanner hoặc Momondo mà search thôi (mua thì vào web chính hãng nhé).

Bay quằn quèo – SELF-transit (phân biệt với loại trên nhé. Self-transit là khi bạn mua 2 vé rời, của cùng 1 hãng hoặc 2 hãng hàng không khác nhau –> tự nối chuyến ở đâu đó)
Cách này trong nhiều trường hợp (ví dụ đi đột xuất, mua vé sát ngày bay) sẽ rẻ hơn hẳn hoặc giờ bay tốt hơn.

Đọc thêm: Mẹo tự nối chuyến (self-transit) để kiếm vé máy bay giá rẻ nhất

Các điểm tự nối chuyến đến Nhật:

  • Manila (Philippines): mua 2 vé rời của Cebu Pacific (Mình mua vé trước 1 tuần, Tokyo-Manila-Hanoi là 5tr7)
  • Bangkok (Thailand): Vé HN-Bangkok thì Vietjet hoặc AirAsia. Từ Bangkok bay sang Nhật thì rất nhiều hãng giá rẻ, AirAsia, Flyscoot
  • Taipei (Taiwan): Vé HN-Taipei của Vietjet, HCM-Taipei của Vanila Air, Vietjet. Vé Taipei-Tokyo thì Vanilla Air, Peach. Lưu ý, cần visa Taipei để đề phòng bất trắc
BEST TIPS: Đừng bay khứ hồi HN-Tokyo-HN. Hãy bay HN-Osaka và Tokyo-HN, để tiết kiệm được cả thời gian và kinh phí di chuyển Tokyo-Kyoto (vốn khá đắt).

Bay thẳng hay quằn quèo thì để canh và săn vé rẻ hiệu quả bạn có thể dùng mấy trang tìm và so sánh giá vé máy bay như Traveloka, Skyscanner, Momondo 😉


II/ JR PASS – NÊN MUA HAY KHÔNG?

Câu hỏi muôn thủa là có nên mua JR Pass không? Câu trả lời chuẩn xác là CÒN TÙY.

Trước tiên, giá cả của JR Pass: 7 ngày=29,110 yen; 14 ngày=46,390 yen; 21 ngày=59,350 yen. 1 yen~200 VND. Tức là JP Pass rẻ nhất (7 ngày) đã “ăn” từ hầu bao của bạn ~ 6 triệu. Ouch, painful.

Tuyến các bạn hay di chuyển nhất Tokyo-Kyoto có giá vé 14,000 yen. Tức là nếu di chuyển 2 chiều thì tốt nhất bạn nên mua JR Pass đi. Còn nếu chỉ di chuyển 1 chiều hoặc đi bus đêm cho rẻ thì JR Pass sẽ thành ra đắt 🙂 Ngoài ra, nếu bạn đi chầm chậm, dừng ở mỗi thành phố lâu thì JP Pass cũng sẽ thành ra vô cùng đắt (do có giới hạn thời gian sử dụng).

BEST TIPS: Sử dụng công cụ tính ở link này
Add tất cả các chặng bạn định đi bằng tàu hỏa ở Nhật vào. Công cụ sẽ tính tổng chi phí bạn phải trả và so sánh với giá JR Pass. Quá tuyệt nhỉ^^!

JP Pass là dùng được cho hệ thống tàu hỏa của Japan Railways trên toàn nước Nhật. JP Pass được biết đến nhiều nhất, tuy nhiên Nhật có cực kỳ nhiều loại pass, mỗi vùng lại 3-4 loại luôn. Tỉnh tổng phải đến 20-30 loại ý. Tùy thuộc bạn đi vùng nào có thể cân nhắc thêm pass của vùng đó. Nhiều khi có deal tốt đó.

2nd BEST TIPS: Nếu có thời gian và dự định khám phá Kansai một cách cẩn thận (Osaka, Kyoto, Nara, Kobe, Himeji) thì nên mua JR Kansai Area Pass, dùng được tàu JR tại tất cả các điểm kể trên và cả tàu Haruka (đi từ sân bay Kansai về nữa).

1 ngày ~ 2,200 yen | 2 ngày ~ 4,300 yen | 3 ngày ~ 5,300 yen | 4 ngày ~ 6,300 yen

Bản đồ các line tàu sử dụng được JR Kansai Area Pass. Khoanh tròn các điểm tham quan chính nhé

3rd BEST TIPS: Để tra giá vé, lịch trình chạy của tàu hỏa ở Nhật, các bạn vào trang này nhé 

Nếu ngại đến Nhật mới ra ga tàu tìm mua các loại Pass thì các bạn có thể lên Klook mua trước và nhận vé từ trước khi đi Nhật 😉 Link mua vé:


III/ KANSAI AIRPORT (KIX) – KYOTO

Nên sử dụng tàu cao tốc chuyên biệt Haruka. Vé Haruka thông thường là 3,370 yen. Có JR Pass thì free.

BEST TIPS: Mua package Icoca-Haruka thì vé Haruka chỉ còn 1600 yen + thẻ Icoca 2000 yen (gồm 500 yen deposit và 1500 yen top up sẵn).

Vé tàu Haruka giá 1600 yen khi mua package Icoca-Haruka. Không có số ghế nên ngồi đâu cũng được nha

Thẻ Icoca là thẻ đi lại thông minh, nạp tiền rồi quẹt để đi bus hoặc tàu hỏa và cả thanh toán ở siêu thị 🙂 Cả 2 khoản (500 deposit + 1500 top up) này đều có thể được refund khi trả lại thẻ Icoca. Nếu chỉ trả lấy lại deposit thì không mất phí. Nếu lấy lại cả tiền topup thừa thì mất 220 yên phí dịch vụ.

Thẻ Icoca dùng được cả ở Tokyo NHƯNG lại chỉ có thể trả lại thẻ Icoca và lấy refund ở các thành phố thuộc vùng Kansai (Kyoto, Osaka, Kobe…) được nên:

  • Nếu không xác định tiêu hết tiền trong thẻ –> Trả lại Icoca trước khi rời Kyoto
  • Xác định sẽ tiêu hết tiền (mua hàng ở siêu thị được mà) và giữ lại thẻ làm kỷ niệm (mất 500 yen deposit) –> giữ đến Tokyo dùng tiếp
Thẻ ICOCA hình thần sấm của mình ^^

Các bạn Nhật rất khuyến khích giữ lại thẻ làm kỷ niệm do đó các bạn ý làm thẻ siêu đẹp. Khi mua các bạn còn được chọn hình trên mặt thẻ nữa cơ 🙂 Hình của mình là thần sấm ^^

Lưu ý:

  • Icoca-Haruka package không mua từ máy bán vé được! Bạn phải xếp hàng mua tại quầy bán vé (có nhân viên xử lý).
  • Các máy nạp tiền cho thẻ Icoca đều không nhận thẻ ngân hàng. Phải mua bằng tiền mặt!
  • Khi cần tiêu hết tiền để trả lại thẻ Icoca, bạn cứ vào cửa hàng tiện lợi mua hàng, không cần mua món đồ chính xác số tiền còn trong thẻ, mua đắt hơn cũng được! Bạn nói nhân viên cho quẹt thẻ, còn thiếu bao nhiêu trả nốt bằng tiền mặt 🙂 Ví dụ: thẻ còn 1000 yên, mua món 1200 yên, quẹt thẻ và trả thêm 200 yên tiền mặt. Thâm chí nếu đi nhiều người, có nhiều thẻ thì quẹt cộng dồn cũng được. Ví dụ có 1 thẻ 1000 yên, 1 thẻ 500 yên, mua món đồ 2500 yên rồi quẹt thẻ 1, quẹt tiếp thẻ 2, trả nốt tiền mặt 1000 yên nữa. Êm đẹp 🙂 Thẻ suica ở Tokyo làm tương tự nha.


IV/ TOKYO – NARITA| HANEDA AIRPORT

Có rất rất nhiều cách, tùy thuộc bạn ở đâu tại Tokyo mà chọn phương án tối ưu cho bản thân.

Tổng kết tất cả các line tàu ra sân bay Narita và Haneda
Dựa vào hình trên thì các line tiện nhất cho từng sân bay là
  • Sân bay Narita: Narita Sky Access Line, Keisei Main Line và JR Narita Express
  • Sân bay Haneda: Keikyu Railways, Tokyo Monorail và Keisei Limited Express

Mình bay Narita nên chỉ nói về sân bay này thôi:

  • Nếu có JR Pass: dĩ nhiên nên chọn JR Narita Express
  • Narita Sky Access Line hay còn gọi là Keisei Skylier: 60 phút, 2,200 yen. Mua online rẻ hơn mua tại ga nhé! Sau khi mua vé online sẽ nhận được 1 cái code qua email. Mang code đó ra ga để đổi lấy vé giấy. Tàu chuyên ra sân bay nên rất nhiều chỗ để hành lý. Phải ngồi đúng số ghế
  • Vé tàu Keisei Skylier của mình. Theo thứ tự từ trái qua, từ trên xuống là ngày, giờ đi, giờ đến, toa, số ghế
  • Nếu muốn rẻ nữa thì đi Keisei Main Line, 90 phút, 1,025 yen (rẻ được 1 nửa so với Skylier). Tuy nhiên, không có số ghế (trừ khi trả thêm tiền để reserve –> ~1,725 yen), tàu thường nên ko có chỗ để hành lý và có thể rất đông –> phải đứng nhé.


V/ TOKYO-KYOTO

Có 2 lựa chọn là tàu hỏa hoặc bus.

Tàu hỏa: Nếu đi tàu thì bạn sẽ được trải nghiệm tàu Shinkansen nổi tiếng của Nhật Bản, con tàu chạy nhanh nhất thế giới 🙂 Nhanh nhất là Shinkansen Nozomi, 135 phút và tiêu tốn của bạn ~ 14,000 yen. Tuy nhiên, JR Pass không dùng được trên em tàu siêu nhanh nè, bạn chỉ được phép dùng trên em chậm hơn là Shinkansen Hikari, 162 phút (Yep, Shinkansen cũng có nhiều loại lắm, mỗi em tàu lại 1 tên, đến chết với các bạn Nhật).

Bus: Nếu đi bus, mất khoảng 10 tiếng, khá lâu nên hãy chọn bus đêm vì vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đỡ được 1 đêm khách sạn. Bus đêm ở Nhật Bản xịn nhất trong quãng đời đi bus của mình. Sạch, đẹp vô cùng, ghế ngồi thì siêu tiện nghi (có gối, ổ cắm, chỗ để chân etc.), độ ngả cũng rất hoành (145 độ), rộng đủ để giãy giụa thoải mái (1 xe 3 hàng ghế mà), có rèm che để đảm bảo riêng tư (rất cần thiết nếu dáng ngủ của bạn có vấn đề keke). Dĩ nhiên, xe càng xịn càng đắt, xe bớt xịn thì bớt đắt. Còn có xe chỉ dành riêng cho khách nữ nữa 🙂

Hình thù bên trong em xe Willer Express Premium và em ghế siêu bự và êm ái của chiếc xe

Xe chạy rất êm, có dừng để các bạn đi theo tiếng gọi thiên nhiên và gửi tình yêu vô đất ^^!

Giá vé (tùy độ xịn của xe): 5000 ~ 9000 yen. Làm bài toán kinh tế thì rẻ hơn đi tàu nhiều.

BEST TIPS: Nên chọn bus của hãng Willer Express. Website có Tiếng Anh và giao diện đơn giản, thanh toán dễ dàng. Chọn dòng xe NEW PREMIUM là xịn nhất đó! Book here


VI/ DI CHUYỂN TRONG TOKYO

Hệ thống giao thông công cộng ở Tokyo rất chi là phức tạp, tàu hỏa nội đô, bus, metro đủ cả với vô vàn hãng điều hành khác nhau. May mắn thay bạn không cần quan tâm đến cái bản đồ di chuyển đó làm gì! Đa phần các địa điểm tham quan đều nằm trên Yamanote Line (line xanh lá cây) hay tàu hỏa nội đô của JR.

3 line chính đi qua hầu hết các địa điểm tham quan vui thú ở Tokyo
  • Nếu có JR pass –> miễn phí di chuyển trên JR Yamanote Line nhé
  • Nếu không mua JR pass hoặc JR pass hết hạn trong mấy ngày cuối ở Tokyo chẳng hạn, hãy sắm cho bản thân 1 cái thẻ thông minh Suica card. Thẻ này có thể mua từ mọi máy bán vé hoặc quầy bán vé tại các ga của JR (hoặc tiện nữa là mua trước trên Klook rồi đến nơi nhận thẻ từ sân bay). Cũng giống như Icoca card của vùng Kansai, thẻ Suica yêu cầu 500 yen deposit (hoàn trả hoàn toàn khi bạn trả lại thẻ) + tiền topup (được hoàn trả nếu thừa nhưng mất phí 220 yen –> do đó nên tiêu cho bằng hết ^^!, mua sữa chua, hoa quả gì đó ở siêu thị đi). Suica card dùng được cho tàu hỏa, bus, metro (tất tần tật, bất kể hãng điều hành là gì).
  • Nếu dự tính sử dụng Yamanote Line nhiều trong ngày, bạn có thể cân nhắc mua Tokyo Metropolitan District Pass (hay Tokunai Pass), giá 750 yen/ngày. Nhật tính tiền vé dựa trên quãng đường bạn đi nhưng mức thấp nhất là 140 yen (thường là giữa 2-3 ga của Yamanote Line) nên nếu bạn đi tầm 5 lượt trở lên thì mới nên mua pass này, nếu không thì cứ Suica card mà quẹt thôi.
BEST TIPS: Để trả lại Suica card bạn cần ra các ga tàu của JR và tìm Ticket Office với logo như ở hình dưới. Ở sân bay cũng có ticket office để trả được nhé.


VI/ DI CHUYỂN TRONG KYOTO

Chỉ dùng được bus và đôi chân của bạn mà thôi! Hệ thống bus của Kyoto rất hoàn thiện, sẽ đưa bạn đến mọi ngõ ngách và thêm vào đó, nó rẻ.

BEST TIPS: Mua ngay Kyoto One Day Bus Pass. Chỉ có 500 yen thôi (vé 1 lượt đã là 230 yen rồi), có giá trị trong 1 ngày, không giới hạn số lần đi.

Mặt trước và sau của Kyoto One-day City Bus. Lần đầu tiên sử dụng bạn đút thẻ vô máy, ngày hôm đó sẽ được in vô ô trống ở cuối mặt sau. Các lần dùng sau chỉ cần giơ ra cho tài xế xem, không cần cho vô máy nữaBạn có thể mua Kyoto One Day Bus Pass từ tài xế (nhưng có lúc tài xế hết thì đành chịu nhé), tại quầy vé của ga tàu/bến bus hoặc từ hostel/guesthouse nơi bạn ở (họ có bán đó, giá không đổi).

Kyoto có 3 tourist bus (Raku Bus) số 100, 101 và 102, chỉ dừng ở các điểm tham quan. Raku bus rất đông do lắm khách du lịch chen chúc. Các bạn nên kết hợp đi cả bus thường.

Tuyến chạy của 3 Raku bus như sau:

  • Raku 100: Kyoto Station – National Museum & Sanjusangendo Temple – Kiyomizudera Temple – Gion – Heian-jingu Shrine – Ginkakuji Temple
  • Raku 101: Kyoto Station – Nijo-jo Castle – Kitano Tenmangu Shrine – Kinkakuji Temple – Daitokuji Temple – Kitaoji Bus Terminal
  • Raku 102: Ginkakuji Temple – Kyoto Imperial Palace – Kitano Tenmangu Shrine – Kinkakuji Temple – Daitokuji Temple – Kitaoji Bus Terminal
2nd BEST TIPS: Khi đến ga Kyoto nhớ xin 1 tấm bản đồ các tuyến bus của thành phố, rất hữu ích! Đặc biệt chú ý phần cuối bản đồ gợi ý tuyến bus nên bắt khi đi từ điểm A sang điểm B (Quick help for transfer)

Các bạn có thể down bản đồ bản soft-copy để nghiền ngầm trước bằng cách nhấn vào đây


VIII/ KYOTO – NARA

Di chuyển bằng tàu hỏa, rất đơn giản, có 2 lựa chọn

  • Tàu JR (JR Nara Line Rapid service), 710 yen, 46 phút, vô số chuyến trong 1 ngày. JR Pass đi free. Ga đến là JR Nara station
  • Tàu Kintetsu Kyoto Line Express for KINTETSUNARA, 620 yen, 44 phút, ít chuyến hơn JR. Không dùng được JR Pass (tàu Kintetsu là của tư nhân). Ga đến là Kintetsu Nara station.
BEST TIPS: Ga Kintetsu gần các điểm tham quan hơn nhiều nhé. Từ ga JR đến ga Kintetsu khoảng 15-20 phút đi bộ.

***

OK la, tạm vậy nhé, chúc các bạn đi chơi vui, di chuyển hiệu quả mà ít tốn kém. Có gì cần tư vấn, thoải mái contact mình.

Ah, nếu các bạn muốn có mạng để tra đường hoặc dùng Google dịch khi giao tiếp thì có thể thuê cục phát wifi tai đây nhé (lấy và trả ở sân bay hoặc bến tàu hỏa, rất thuận tiện).


Have fun when roll around!

Bask

Bạn có thể ủng hộ blog bằng cách ấn vào bất cứ hình quảng cáo nào trong trang. Quảng cáo của Google Adsense đảm bảo không chứa virus + link vớ vẩn.

Mọi thông tin trong trang web thuộc bản quyền của 5continents4oceans.com, được bảo hộ bởi đạo luật DMCA. Nếu có đăng lại nội dung, cần dẫn link gốc của bài viết.

Comments

comments

Leave a Reply