Magnificent sun rise and sunset in Myanmar

(Last Updated On: January 4, 2017)

Myanmar, Burma, Miến Điện, 3 cái tên, 1 vùng đất. Vùng đất của chùa chiền, của sự hoang sơ, của những con người hiền lành thân thiện và của mặt trời!

Chùa chiền, hoang sơ hay con người thì để bài khác. Hôm nay sẽ tập trung nói về một Myanmar đẹp lung linh huyền ảo trong ánh mặt trời buổi bình minh và khi chiều tà. Chính vì bình minh và hoàng hôn ở đây rất đẹp mà các tour du lịch trong ngày không dùng mốc thời gian cụ thể để định hình lịch trình tour mà sử dụng bình minh hay hoàng hôn làm mốc. Ví dụ: tour từ 8-9h sáng, đi các điểm A, B, C… ngắm sunset, về khách sạn hay pick-up tại khách sạn, đón bình minh, đi điểm A, B, C, về khách sạn 4-5h chiều 🙂 Tóm lại là tour nào cũng phải đưa bình minh và hoàng hôn vào, như 1 landmark, 1 điểm tham quan nhất định phải ghé.

Tại sao bình minh và hoàng hôn ở Miến lại đẹp? Vì bạn được ngắm ông mặt trời dần dần nhô lên với 360 độ view khi mà bầu trời trong xanh kia không bị phá hỏng bởi những ngôi nhà chọc trời, những dây điện chằng chịt hay khói bụi ô nhiễm. Vì bạn được ngắm những tia nắng tắt dần trong một không gian tĩnh lặng và thanh bình đến lạ – không còi xe, không tiếng quát tháo (do tắc đường^^) hay nói chung là không có những tiếng động của một cuộc sống đô thị bận rộn với mưu sinh và toan tính. Và vì bạn được ngắm mặt trời với tâm hồn thanh thản trong tiếng chuông chùa ngân vang.

Hoàng hôn tắt dần trong tiếng chuông chùa Shwezigon – Bagan

Văn vẻ thế thôi nhưng dĩ nhiên cũng chẳng phải ngày nào bạn cũng thắng được cơn buồn ngủ và mệt mỏi từ hành trình du lịch quần quật để dạy sớm ngắm bình minh. Cũng chẳng phải ngày nào bạn thắng được cái dạ dày kêu réo và sự mệt mỏi từ cả một ngày dài để tha thẩn nhìn hoàng hôn buông xuống 😉 Thôi thì, đối với một số điểm không thể bỏ lỡ như bình minh/hoàng hôn ở Bagan hay hoàng hôn bên cầu Ubein (Mandalay) thì nên cố.

Bình mình đầu tiên mình đón trên đất Miến là tại Bagan – cố đô với hơn 13,000 ngôi chùa cổ kính. Sáng sớm trèo lên rooftop của khách sạn, thưởng thức bữa sáng trong ánh bình mình và cái se se lạnh của Bagan quả thật không phải khởi đầu tồi cho một chuyến đi.

Hoàng hôn Bagan nhìn từ rooftop của khách sạn Sky View

Tại Bagan, dân du lịch thông thường truyền tai nhau tip “bình minh Bulethi, hoàng hôn Shwesandaw”. Backpacker có nhiều thời gian tại Bagan thì sẽ tìm cho mình một “secret temple” nào đó trong số cả chục ngàn ngôi chùa của Bagan để giữ mặt trời cho riêng mình!

Shwesandaw là một ngôi đền trông gần giống kim tự tháp Ai Cập với 4 mặt đối xứng. Ở mỗi mặt đều có cầu thang dẫn lên các tầng của ngôi đền (5 tầng). Khách tham quan đa phần sẽ ngồi kín các tầng trên cùng của mặt hướng Tây của đền để ngắm hoàng hôn. Chỗ ngồi thì có hạn mà khách thập phương thì ngày càng đông nên người ta bắt đầu lục tục leo lên đền từ 4h chiều 🙂

Kể cũng bõ công sức đợi chờ cho một màn biểu diễn hoành tráng của thiên nhiên khi ông mặt trời từ từ trôi xuống kéo theo một tấm màn cam đỏ rực cùng tiếng trầm trồ thán phục của quan khách. Thời khắc mặt trời treo trên chóp tháp của ngôi chùa quả là một cảnh tượng đẹp hiếm có.

Hoàng hôn nhìn từ đền Shwesandaw – Bagan

Cách ngắm mặt trời của quan khách khác nhau nhiều lắm. Người thì súng ống xịn đầy đủ, ngắm ngắm căn căn rồi bấm điên loạn, chắc mong có tấm postcard đẹp. Các loại máy ảnh du lịch, smartphone cũng được chủ nhân mang ra tác nghiệp triệt để. Nếu mình mà làm survey thì chắc 90% khách sẽ rời đi với tầm 50 đúp ảnh trong máy (dù là máy gì) ^^. Thế nhưng cũng có những người, những cặp đôi không buồn chụp ảnh, họ chỉ ôm nhau, thẫn thờ nhìn hoàng hôn buông xuống. Ước gì mọi người đều như vậy, một bức ảnh có thể lưu giữ được khung cảnh chứ đâu phải tâm hồn.

Mặt phía Tây của đền Shwesandaw tầm 5h chiều (đã đông lúc nhúc)

Ngày hôm sau rong ruổi trên chiếc xe đạp điện, mình tìm ra một ngôi đền hay lắm, vắng hoe chả có mấy người, lại có cầu thang leo lên đến tận đỉnh tháp với panorama view. Ngắm hoàng hôn từ đây thì cứ gọi là perfect. Vấn đề là … không biết tên 🙁 Mình tìm lại được nhưng chỉ đường thì kể cũng khó, thôi thì đó là secret temple của mình, còn các bạn đi sau thì cố tìm một cái cho riêng mình nhé!

Rời Bagan, hoàng hôn tiếp theo mình được ngắm là ở tại chân cầu Ubein – cây cầu gỗ tek dài nhất thế giới. Nếu như ở Bagan là cảnh mặt trời treo trên những tháp chùa cổ kính, thì tại UBein là cảnh mặt trời đong vàng mặt nước sông Amarapura.

Hoàng hôn soi bóng nước bên cầu Ubein (Amarapura – Mandalay)

Cũng như ở Shwesandaw, khách du lịch thi nhau thuê thuyền giá 25,000 kyat (~20$) ra giữa sông ngắm hoàng hôn. Cảnh chen chúc lại tái diễn với cả một đoàn thuyền dàn hàng trên sông. Đừng như họ 🙂 bạn có thể đi bộ đến giữa cầu, có đường xuống dải đất nổi trên sông (giống như bãi giữa sông Hồng ý). Đứng ở đây bạn cũng có thể ngắm được toàn cảnh cây cầu Ubein và sông Amarapura trong ánh chiều tà

Đoàn thuyền chen chúc trước cầu Ubein chờ đợi khoảnh khác mặt trời lặn xuống 😉

Cũng đừng chỉ đến Ubein mỗi lúc hoàng hôn buông xuống rồi vội vã chụp vài tấm ảnh. Bạn nên bỏ thời gian tản bộ hết 1 vòng cây cầu này (1.2km) và ngắm nhìn cuộc sống và khung cảnh thanh bình xung quanh.

Tại Yangon, nếu bạn vẫn chưa chán mặt trời 😉 bạn có thể đến hồ Kandawgyi (chỉ cách ngôi chùa vàng Shwedagon nổi tiếng 20 phút đi bộ thôi). Tại đây có một cây cầu gỗ dẫn quanh hồ khá hay, nếu đi đúng vào mùa hoa sen nở chắc sẽ đẹp lắm.

Hoàng hôn trên cây cầu gỗ lượn quanh hồ Kandawgyi

Thôi thế chắc là đủ để mời khách đến với Burma rồi. Bonus thêm 1 tấm ảnh hoàng hôn mình rất thích ở cầu Ubein – 1 khoảnh khắc đẹp khi cuộc sống mưu sinh lồng với cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ.

Hình ảnh đánh bắt cá trên sông Amarapura lúc hoàng hôn (xa xa là thuyền của các khách du lịch đang thảnh thơi ngắm cảnh)


Have fun when roll around
Enjoy the moment you have!

Bask

Comments

comments

Leave a Reply